Tuyển sinh chia làm nhiều đợt
Theo kinh nghiệm tuyển sinh của một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội như: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại thì những thí sinh ở vùng dịch đăng ký xét tuyển vào trường khá ít. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, nhà trường vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Nhiều trường đại học chia sẻ với thí sinh thi đợt 2 do dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.
PGS TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: Trường có gần 6.000 chỉ tiêu tuyển sinh. Trường thực hiện 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; dựa vào quả thi tốt nghiệp THPT 2020 và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.
Tuy nhiên, PGS TS Bùi Đức Triệu cũng cho biết, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội xét tuyển, Hội đồng tuyển sinh trường quyết định mở rộng đối tượng và tăng chỉ tiêu diện xét tuyển kết hợp.
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, việc phát sinh buộc phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT làm hai đợt là điều bất đắc dĩ không ai mong muốn.
GS Nguyễn Đình Đức nhận định, phương án thi hiện nay sẽ không gây xáo trộn lớn với công tác tuyển sinh, các thí sinh và các bậc phụ huynh có thể an tâm. Theo đó, các trường đại học đều có nhiều kinh nghiệm và có thống kê các thí sinh đến từ các vùng miền khác nhau theo từng năm, từ đây, có thể quy nạp để ước tính số chỉ tiêu để dành cho thí sinh ở các địa phương có dịch COVID-19 thi đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“ĐH Quốc gia Hà Nội cũng như các trường đại học khác trên cả nước rất hiểu, chia sẻ và sẽ tạo cơ hội và điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để các em thí sinh có thể an tâm và thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình”, GS TSKH Nguyễn Đình Đức khẳng định.
GS Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho biết, tới đây, Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ họp xem xét để có tỷ lệ chỉ tiêu phù hợp cho các đợt thi, thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm. Trường ĐH Vinh đã xác định kịch bản tuyển sinh kéo dài, sẵn sàng lùi thời gian tuyển sinh và nhập học phù hợp, hoặc thực hiện thủ tục nhập học trực tuyến.
Theo GS Nguyễn Huy Bằng, thời gian nhập học kéo dài không ảnh hưởng đến việc học vì chương trình học theo tín chỉ, các em nhập học sau có thể được trường tạo điều kiện và chủ động học tăng cường một vài môn đầu để theo kịp chương trình.
Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, PGS TS Nguyễn Ngọc Vũ ĐH Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép ĐH Đà Nẵng được linh hoạt chuyển đổi các chỉ tiêu phương thức xét tuyển theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT sang hình thức xét tuyển bằng học bạ để đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu và đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Đối với thí sinh từ các địa phương khác, ĐH Đà Nẵng vẫn xét tuyển bình thường theo các phương thức như đã công bố.
Phân bố đề án tuyển sinh hợp lý
Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát, phân loại những thí sinh thuộc diện F1, F2 (nếu có), gửi danh sách về Bộ trước ngày 12/8/2020.
Trước tình hình này, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học phân loại thí sinh: Với các thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, căn cứ kế hoạch tuyển sinh của trường và hồ sơ của thí sinh đăng ký xét tuyển, các trường công bố công khai điều kiện trúng tuyển vào trường theo các phương thức này để thí sinh nhập học khi được công nhận tốt nghiệp THPT, đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh thi đợt 2.
Từ đó, trên tinh thần tự chủ tuyển sinh và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, các trường xem xét phân bổ tỷ lệ chỉ tiêu hợp lý và xét tuyển riêng cho các thí sinh này.
Trong công văn do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc ký ngày 6/8 gửi các trường đại học có nêu rõ về việc phân bổ chỉ tiêu của các trường dựa trên: Tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh thuộc địa phương so với tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh trên cả nước vào trường năm 2020; Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển của địa phương so với số lượng thí sinh trúng tuyển trên cả nước vào trường năm 2019; Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển của địa phương so với số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển của địa phương vào trường trong năm 2019.
Bộ GD&ĐT lưu ý, công tác tổ chức xét tuyển phải thực hiện theo quy định hiện hành, công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng (lấy kết quả từ cao xuống thấp); không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội; điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự đợt 2 phải đảm bảo không thấp hơn điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự đợt 1.
Các trường có tổ chức kiểm tra năng khiếu hoặc thi tuyển sinh riêng, căn cứ tình hình diễn biến của dịch COVID-19 xem xét điều chỉnh kế hoạch tổ chức thi và tuyển sinh cho phù hợp, đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.
Theo TTXVN/Báo Tin tức