Lá chua còn có tên gọi khác là lá nồm, thuộc thân leo, lá nhỏ, vị chua dịu và có nhựa. Loại lá này thường có ở các tỉnh vùng cao như Cao Bằng, Bắc Kạn… Lá chua như một món quà mà mảnh đất nơi đây đã ban tặng cho con người. Người dân trong các bản vẫn thường lên rừng tìm hái lá chua về gội đầu và nấu canh chua. Người dân vùng cao có thể tìm thấy lá chua ở bất cứ đâu, nó gần gũi, thân thuộc và gắn bó với đời sống người dân như con sông, con suối.
Vào mùa lũ, người dân thả lưới, đâm cá, xúc tép để lấy thức ăn để dành trong năm. Những con tép thì mang phơi khô, ướp muối để dành còn cá lớn thì mang chế biến thành các món như cá rán, cá kho… Nhưng người dân nơi đây đặc biệt thích món canh cá nấu với lá chua vì nó vừa ngon miệng vừa dễ chế biên. Món ăn này thân thuộc đến mức trẻ con học lớp một cũng đã được các bà, các mệ dạy cho nấu một bát canh cá rất ngon rồi.
Cá thì dưới suối, lá chua trên rừng, mọi thứ đều dễ kiếm. Khi chế biến chỉ cần tuốt hết lá chua rồi rửa sạch, đợi khi lửa bén nồi mới bắc chảo lên rán cá. Khi rán, chú ý cho nhỏ lửa để cá chín vàng đều, vừa ngon miệng lại vừa đẹp mắt. Khi cá chín vàng thì thả cá và lá chua cùng muối, hạt nêm vào nồi nước rồi đun sôi. Khi nước sánh vàng, vị thơm và chua của lá đằm lại trong vị ngọt của nước cá thì ta sẽ được một bát canh cá lá chua thật ngon và hấp dẫn.
Sau những ngày vất vả lên nương làm việc, chiều tối trở về nhà đã thấy khói bếp cùng mùi thơm của cánh cá lá chua, thế là bao nhiêu nhọc nhằn, vất vả như tiêu tan hết. Sau này rất nhiều người con của bản làng đã trưởng thành rồi đi xa, nhưng giữa chốn phố thị phồn hoa họ vẫn luôn nhớ đến mùi vị bát canh cá lá chua như nhớ về cây rừng, con suối, bản làng… Như nhớ về những kỉ niệm ấm cúng bên những bữa cơm gia đình, để dù đi xa đến đâu vẫn nhớ đường về bản.
Nguồn Ẩm thực Việt Nam