Tưng bừng Lễ hội Katê năm 2019

Năm nay, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn diễn ra từ ngày 27 đến 29-9. Lễ hội Katê là một trong những lễ hội dân gian độc đáo, đặc trưng, gắn liền với đời sống tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và lao động sản xuất của đồng bào Chăm.

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố chứng nhận và đưa Lễ hội Katê vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Đó là sự đóng góp của đồng bào Chăm, của văn hóa Chăm vào nền văn hóa Việt Nam; là cơ hội để Ninh Thuận quảng bá hình ảnh của địa phương đến du khách, đến các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.

Lễ hội Katê năm 2019 tưng bừng diễn ra tại các đền, tháp và các làng Chăm Bàlamôn trên địa bàn tỉnh ta. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến thăm, chúc mừng các vị chức sắc Bàlamôn, gia đình đồng bào Chăm tiêu biểu, dự lễ hội tại các đến, tháp tạo sự phấn khởi cho bà con mừng đón lễ hội đầm ấm, vui tươi, tiết kiệm và an toàn.…

Các nghệ nhân làng Chăm Hữu Đức hát múa đón mừng Lễ hội Katê năm 2019. Ảnh: S.N

Chiều ngày 27-9, Hội đồng phong tục làng Chăm Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước) tổ chức lễ rước y trang nữ thần Po Ina Nagar và mừng đón Lễ hội Katê 2019. Lễ rước y trang tưng bừng diễn ra trên sân lễ rộng lớn với chương trình dân ca, dân vũ đặc sắc do trên 350 diễn viên, nhạc công dân tộc Chăm biểu diễn, thu hút hàng ngàn du khách quốc tế và nhân dân các địa phương đến xem. Sau nghi thức rước y trang Po Ina Nagar, từ ngày 28-9, tại các tháp Po Klong Garai ở phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm), tháp Po Rome, đền Po Ina Nagar ở xã Phước Hữu; đền Po Klong Chanh ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước)… diễn ra các hoạt động theo tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm như rước y trang, mở cửa đền tháp, múa, hát ngợi ca công đức của các vị thần đối với dân làng. Lễ hội thu hút đông đảo các nhà khoa học, du khách trong và ngoài nước đến nghiên cứu văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm thông qua các hoạt động từ đền tháp đến cộng đồng làng xóm, cộng đồng…

Nghi thức rước y trang nữ thần Po Ina Nagar tại làng Chăm Hữu Đức.

Toàn tỉnh hiện có trên 82 ngàn người Chăm sinh sống tập trung 22 làng thuộc 13 xã, thị trấn trên địa bàn 5 huyện và Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình phúc lợi phát huy hiệu quả sử dụng, tích cực góp phần nâng cao đời sống đồng bào Chăm. Anh Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban quản lý Khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) cho biết: Năm nay sản phẩm gốm của bà con được thị trường tiêu thu mạnh; kết hợp vụ lúa hè-thu được mùa, giá cả ổn định giúp nông dân có thêm thu nhập sửa sang nhà cửa khang trang, mua sắm vật phẩm mừng đón Lễ hội Katê năm 2019. Chi hội Phụ nữ đang luyện tập chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục ca múa truyền thống. Vừa qua, khu phố Bàu Trúc được Nhà nước đầu tư trên 36 tỷ đồng xây dựng hệ thống điện, đường, trường học, nhà trưng bày gốm, nhà sinh hoạt cộng đồng tạo nên sự khởi sắc làng nghề truyền thống vùng đồng bào Chăm. Đời sống của người dân dựa vào nguồn thu nhập chính từ nghề làm gốm và canh tác 192 ha ruộng lúa chủ động tưới hệ thống thủy lợi Nha Trinh. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ làm gốm, làm ruộng giúp bà con có điều kiện chăm lo con cái học hành và đón mừng Lễ hội Katê đầm ấm, vui tươi…

Về dự Lễ hội Katê năm 2019, du khách được được trải nghiệm, thưởng thức các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc tại tháp Po Klong Garai, hội thi văn hóa, văn nghệ dân gian Chăm; tìm hiểu nét văn hóa dân tộc Chăm qua những hình ảnh, hiện vật tại khu trưng bày tháp Po Klong Garai, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm, Bảo tàng tỉnh và thưởng thức những món ăn đặc trưng mang đậm nét văn hóa ẩm thực của đồng bào Chăm.