(NTO) Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm bánh hỏi ở thôn Phước Khánh (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) có từ lâu đời. Bánh hỏi được biết đến như một món ăn dân dã vừa ngon, vừa đậm đà bản sắc làng quê…
Cách trung tâm Tp. Phan Rang–Tháp Chàm khoảng chừng 2 cây số nằm phía tay trái hướng đi TP. Hồ Chí Minh, thôn Phước Khánh nằm ven dòng sông Dinh hiền hòa. Theo chị Dương Quá, chủ một cơ sở sản xuất bánh hỏi tại thôn Phước Khánh được biết, nghề làm bánh hỏi của gia đình chị đã truyền qua ba đời. Lúc nhỏ, nghe ông bà kể lại nghề này được thừa hưởng và truyền nghề từ tổ tiên. Chị cho biết thêm, các gia đình theo đuổi nghề này trước tiên là muốn giữ gìn cái nghề truyền thống của cha ông để lại và quan trọng hơn nghề này tạo ra nguồn thu nhập tương đối ổn định giúp họ nuôi con ăn học đến nơi đến chốn…
Tiếp lời chị Quá, anh Nguyễn Thành Tâm phấn khởi xen vào: Bánh hỏi Phước Khánh được làm hoàn toàn bằng thủ công từ xay bột, dáo bột, đến ép bánh… Theo diễn tả của anh: “Gạo phải được ngâm từ chiều hôm trước cho mềm và xay thành bột, sau đó chắt hết nước lấy phần bột đặc quánh, tiếp đến là dáo bột, công đoạn này cần người khỏe mạnh và có nhiều kinh nghiệm thì dáo bột mới ngon. Người dáo bột dùng thanh tre quấy đều đến khi nào bột sánh lại mới thôi. Sau đó bột được lăn thành cây dài, to vừa với khuôn ép. Ép có hai công đoạn, ép xả xong, bột lại được lăn thành cây rồi mới ép thành bánh...” Anh cho biết thêm: “Hiện nay đã có dây chuyền làm bánh hỏi “công nghệ cao”, cho gạo vào là ra bánh luôn, sản xuất ra bánh rất nhanh. Tuy nhiên, bánh hỏi làm theo công nghệ hiện đại ít được người tiêu dùng ưa chuộng vì bánh có sợi to, không dai và thơm bằng bánh làm theo cách truyền thống”.
Ngày nay, đi đôi với nhu cầu của các thực khách ngày càng cao thì các món ăn cũng ngày càng đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, bánh hỏi Phước Khánh vẫn tạo được nét đặc trưng rất riêng, du khách sẽ nhớ mãi khi đã một lần thưởng thức.
Trọng Ân