Ninh Thuận nơi xa hướng về

(NTO) Với mỗi người, quê hương là những gì thiêng liêng nhất. Dẫu đi cả cuộc đời, dẫu giàu sang hay thấp hèn cũng không dễ gì chối bỏ quê hương.

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người”1

Nhưng không phải ai lớn lên cũng có may mắn được gắn bó suốt đời với quê hương. Có muôn vàn lý do, muôn vàn hoàn cảnh để những người con lớn lên phải cất bước rời xa đất mẹ, để những năm tháng một lòng khắc khoải ngóng mong. Quê hương Ninh Thuận, miền đất vùng nắng, gió…quê hương của những vườn nho mọng đỏ, của những cồn cát trải dài…cũng đang có hàng ngàn những người con sinh sống, học tập nơi xa mong mỏi nhớ về.

“Ninh Thuận là quê hương, là máu thịt của tôi. Ninh Thuận quê tôi là những con sông dài uốn khúc, những thửa ruộng mênh mông, những rặng tre già che khuất làng mạc, xóm thôn... Là nơi tôi một lòng mong mỏi được trở về…” Đó là lời chia sẻ của Nguyễn Hoài Ngân, cựu giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, nay đang học tập tu nghiệp, tại nước ngoài. Tuy đã xa quê gần chục năm, những hình ảnh quê hương Ninh Thuận hôm nay có thể đã khác nhiều so với ký ức nhưng trong lòng người con ấy, Ninh Thuận vẫn mãi là vùng quê đẹp nhất, thân thương nhất…

Sinh ra, lớn lên và gắn bó với quê hương, những người con dẫu đi xa bao nhiêu năm vẫn có thể nhớ rõ những hình ảnh quê nhà. Đỗ Hồng Hà, một người con Ninh Thuận đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi xa quê đã gần 7 năm, trong 7 năm ấy chỉ được về thăm quê có vài ba lần… nhưng tôi có thể nhớ rõ từng con đường, từng khúc cua, từng gốc cây, giếng nước trong làng. Với tôi, Ninh Thuận là miền quê đẹp nhất. Gió, nắng… là “đặc sản” và cũng là niềm tự hào của tôi về quê hương”. Hồng Hà có lẽ cũng như bao người con của Ninh Thuận, tự hào về nắng gió chính là tự hào về những người dân kiên cường, nghị lực. Những người nông dân chăm chỉ, hiền lành vun đắp tạo nên những vườn nho, vườn táo ngọt mát… như chứa đầy tinh hoa của gió, của cát, của nghị lực con người. Nắng, gió đã nuôi những người con lớn lên, chắp cánh cho họ ước mơ và những thành công sự nghiệp. “Dẫu không được gắn bó nửa đời còn lại với quê hương, nhưng tôi luôn nhớ về nơi đó với sự trân trọng thiêng liêng nhất. Tôi luôn kể và nhắc cho các con tôi nghe về Ninh Thuận, về nơi cha mẹ chúng đã lớn lên, đã trải qua tuổi thơ nhọc nhằn nhưng hạnh phúc, để các con nhớ về vùng quê nghèo, khắc nghiệt nhưng tự hào…” – Đây có lẽ cũng là việc mà những người Ninh Thuận đang sống xa quê vẫn làm.

Mỗi năm, Ninh Thuận có hàng trăm học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng, cũng đồng nghĩa với việc có hàng trăm người con rời xa quê. Trong số đó, có những người ra đi và chọn nơi xa lập nghiệp. Nhưng trong trái tim những người trẻ ấy, Ninh Thuận “nắng gió” vẫn luôn là miền quê đầy tự hào của họ. Nguyễn Đặng Nhi, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, nay là sinh viên năm thứ 3, Trường Cao đẳng Kinh tế, kỹ thuật Vinatex tâm sự: Tuy xa Phan Rang chưa lâu và hàng năm đều về thăm nhưng có những lúc em vẫn nhớ da diết. Em nhớ rõ từng vị bánh canh, bánh căn, bánh xèo… nhớ những đoạn đường, con phố gắn bó với tuổi thơ. Có những lúc đầu óc căng thẳng, chỉ muốn được chạy nhanh về quê, được hít thật sâu mùi gió biển để thư thái tâm hồn…”. Quê hương với con người cũng như gia đình, cha mẹ… dẫu trải qua bao sóng gió cuộc đời đều cảm thấy bình yên khi được trở về.

Ninh Thuận có nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Ai cũng muốn thoát ra khỏi những khó khăn vất vả để vươn tới một cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, không phải ai ra đi cũng muốn “dứt áo” với quê hương. Chắc chắn, trong lòng mỗi người con Ninh Thuận đang sống xa quê không ai là không mong muốn được trở về quê hương làm việc. “Quê mình chưa phát triển, đôi khi để quyết tâm làm việc ở quê thì phải từ bỏ đam mê, sở thích. Bởi không phải ngành nghề nào cũng có thể làm việc và phát triển thuận lợi ở quê”. – Đó là lời chia sẻ của những người con xa quê và có lẽ cũng là thực tế đang tồn tại. Tuy nhiên, yêu quê cũng không hẳn là phải trở về quê hương. Ở nơi xa, nhưng Ninh Thuận vẫn luôn có những trái tim hướng về, những trái tim dõi theo và sẵn sàng chia sẻ. Nguyễn Quốc Huy, kỹ thuật viên máy tính đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi luôn theo dõi những thông tin ở Ninh Thuận, thậm chí còn ưu tiên hơn cả những thông tin nơi tôi đang sống. Quê hương ngập lụt, hạn hán.. thậm chí là giá nho tăng giảm thế nào chúng tôi đều theo dõi…”.

Gần đây nhất, thông tin về Lê Bảo Lộc, học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã "đưa" cầu truyền hình “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 11 về Ninh Thuận, người Ninh Thuận khắp nơi truyền tai nhau đầy tự hào. Chắc chắn, những người mang lại niềm tự hào cho quê hương tỉnh nhà như Lộc sẽ không chỉ có sự ủng hộ, khích lệ của cả tỉnh Ninh Thuận mà còn của hàng trăm, hàng nghìn trái tim Ninh Thuận trên khắp mọi miền đất nước và thế giới.

Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ về…

Quê hương chính là tâm hồn, là máu thịt, là những gì gắn bó, thiêng liêng nhất… của mỗi con người.