Nước vối hay trà vối là một loại đồ uống giải khát được nấu bằng nụ, hoặc lávối đã ủ chín rồi phơi khô, cũng có thể dùng ngay khi lá còn tươi. Đây là loại đồ uống rất thông dụng ở nông thôn, thậm chí ở thành thị vùng Đồng bằng Bắc Bộ, đây còn là một loại nước uống dân giã, mang phong cách thuần Việt.
Cây vối
Cây vối là một cây cỡ vừa, cao 5 - 6m, có khi hơn. Cành cây tròn hay đôi khi có hình 4 cạnh, nhẵn. Cuống lá dài 1- 1,5cm. Phiến lá dai, cứng, bầu dục hay trái xoan ngược, hình trứng rộng, giảm nhọn ở gốc, có mũi nhọn ngắn, hai mặt cùng màu nhạt có đốm màu nâu, dài 8 - 9cm, rộng 4 - 5cm. Hoa gần như không cuống, màu lục nhạt, trắng. Cụm hoa hình tháp, trải ra ở kẽ các lá đã rụng. Quả hình cầu hay hình trứng, đường kính 7 - 12 mm, nháp, có dịch. Toàn lá, cành non và nụ có mùi thơm dễ chịu. Cây mọc hoang và được trồng ở khắp nơi. Trong lá vối có tanin, một số chất khoáng, vitamin và khoảng 4% tinh dầu với mùi thơm dễ chịu và có một chất kháng sinh diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.
Viện Nghiên cứu y học dân tộc đã nghiên cứu tính chất kháng sinh của lá vối đối với một số loại vi khuẩn gram và kết luận, lá vối ở tất cả các giai đoạn phát triển đều có tác dụng kháng sinh rõ rệt, nhất là những lá thu hái vào mùa đông, vì mùa này kháng sinh tập trung nhiều ở lá. Kháng sinh lá vối có tác dụng với nhiều loại vi khuẩn như Streptococcus, Staphylococcus, vi khuẩn bạch hầu, phế cầu, Salmonella, Bacillus subtilis...
Hoạt chất kháng sinh này tan trong nước và các dung môi hữu cơ thông thường, bền vững với nhiệt độ, không độc với cơ thể, có thể dùng dưới dạng sắc, cao, hoặc viên cho những người đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy và viêm họng.
Vối có hai loại, một loại lá nhỏ hơn bàn tay, màu vàng xanh, thường gọi là "vối kê" hay "vối nếp". Loại thứ hai lá to hơn bàn tay, hình thoi, màu xanh thẫm gọi là "vối tẻ". Cứ độ cuối xuân là lúc hoa vối nở, người ta hái nụ vối khi to bằng hạt đậu, đem phơi khô, đun nước uống. Nước nụ vối, đỏ nâu, uống có vị đắng nhẹ, hơi ngòn ngọt, hương thơm ngai ngái.
Nụ vối khô và nước vối
Theo kinh nghiệm dân gian để nước vối được ngon phải ủ lá. Sau quá trình ủ thì chất ngái do nhựa và chất diệp lục của lá sẽ bị phá huỷ và nước vối sẽ ngon hơn. Lá hoặc nụ vối sau khi thu hoạch được rửa sạch nhựa, cho vào thùng, thúng, bồ,... rồi phủ rơm rạ cho đến khi đen đều thì lấy ra rửa sạch phơi khô. Nếu dùng chum, vại để ủ thì chất lượng sản phẩm sẽ ngon do chum, vại giữ được nhiệt và giữ được độ ẩm trong quá trình ủ tốt hơn. Quá trình ủ tốt là khi lấy ra phơi lá chín tới và chín đều, tức là sau khi ủ lấy ra phơi lá phải ngả màu vàng chuyển đen đều nhau. Lá vối ủ đúng cách thì được nước và uống thơm ngon hơn.
Uống nước vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt, đặc biệt vào dịp Tết. Chất đắng trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, còn chất tinh dầu có tính kháng khuẩn nhưng không hại vi khuẩn có ích trong ruột. Theo kinh nghiệm của dân gian, nước lá vối tươi có kết quả trị bệnh cao hơn so với lá đã ủ. Lá vối nấu nước uống có thể trợ giúp tốt trong việc chữa các bệnh hoặc tổn thương sau: Chữa bỏng, viêm gan, vàng da,viêm da lở ngứa.
Nước vối sử dụng giải khát, giải nhiệt, có tác dụng lợi tiểu và mát, tiêu cơm dùng thích hợp cho tất cả các mùa trong năm, uống nước vối còn là việc lưu giữ nét văn hóa dân dã ngàn đời của dân tộc, luôn lấy tự nhiên làm gốc và gắn bó mật thiết với tự nhiên.
Bình San
Nguồn Ẩm thực Việt Nam