DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Phước Vinh chú trọng phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi vì người nghèo

(NTO) Được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), Phước Vinh (Ninh Phước) căn cứ vào tình hình kinh tế và thế mạnh sản xuất trên địa bàn, Ban Phát triển xã đã lựa chọn, xác lập 2 chuỗi giá trị phát triển vì người nghèo về trồng trọt và chăn nuôi.

Quá trình triển khai chuỗi giá trị chăn nuôi, Ban Phát triển xã thành lập 4 nhóm cùng sở thích (NST), trong đó chú trọng tập huấn, chuyển giao cho nông dân và các NST kỹ thuật chăm sóc, thú y, phòng bệnh. Dự án HTTN đã trực tiếp hỗ trợ con giống, xây dựng chuồng trại, cấp máy băm cỏ và triển khai mô hình chế biến, bảo quản thức ăn gia súc bằng cách tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, giúp giảm 10-20% chi phí chăn nuôi. Nhờ đó, cải tiến căn bản phương thức nuôi thả tự nhiên của các hộ sang áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi. Cụ thể, tại thôn Liên Sơn 2 và Bảo Vinh, 10 hộ nghèo được hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng chuồng chăn nuôi bò; 6 hộ nghèo ở thôn Liên Sơn 1 được hỗ trợ 36 triệu đồng xây dựng chuồng chăn nuôi cừu; NST chăn nuôi bò thôn Liên Sơn 2 được cấp 10 con bò cái và 2 con đực giống lai Sind để triển khai mô hình nuôi bò sinh sản; 5 NST nuôi cừu ở các thôn được cấp 60 con cừu cái với tổng trị giá 188 triệu đồng để triển khai mô hình nuôi cừu sinh sản, tạo sinh kế cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, thông qua Dự án HTTN, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai 2 mô hình chế biến và bảo quản thức ăn cho gia súc vào mùa khô cho các nhóm chăn nuôi bò; Chi cục Thú y tỉnh hỗ trợ một điểm dịch vụ thú y tại xã, dụng cụ thú y cho cán bộ thú y thôn, xã, đến nay đã phát huy được tác dụng, hỗ trợ kịp thời cho người dân.

NST chăn nuôi bò thôn Liên Sơn 2 triển khai hiệu quả mô hình nuôi bò sinh sản
từ nguồn hỗ trợ của Dự án HTTN.

Anh Võ Minh Tân, Trưởng NST chăn nuôi bò thôn Liên Sơn 2, chia sẻ: Do là thôn có đa số đồng bào Raglai sinh sống, nên NST thành lập ra cũng nhằm mục đích giúp cho bà con thoát nghèo. Đầu năm 2014, NST của chúng tôi được Dự án HTTN bàn giao 10 con bò sinh sản. Nhận được bò, thành viên trong nhóm ai nấy đều phấn khởi và coi đây như là con giống ban đầu được Nhà nước hỗ trợ để bà con luân phiên chăm sóc, dần dà có nguồn thu nhập tích lũy. Quá trình luân phiên nhận bò mẹ về nuôi, nhiều hộ như: Mang Khá, Mang Thị Thiêu đã có 2 lượt bê con là tài sản của gia đình, các hộ phấn khởi lắm.

Đồng chí Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, cho biết: Không chỉ thúc đẩy sản xuất, Ban Phát triển xã còn chú trọng liên kết với doanh nghiệp nhằm tìm kiếm đầu ra cho các NST chăn nuôi. Đến nay, địa phương đã hình thành sự liên kết sản xuất lâu dài giữa Doanh nghiệp kinh doanh dê, cừu Triệu Tín với các tổ nhóm chăn nuôi cừu ở thôn Phước An 1, Liên Sơn 1; giữa Cơ sở giết mổ Hồng Loan với các nhóm chăn nuôi bò thôn Liên Sơn 2 và thôn Bảo Vinh. Từ thực tiễn triển khai thực hiện trong 5 năm qua cho thấy, tác động của Dự án HTTN, mà trực tiếp là việc phát triển các chuỗi giá trị vì người nghèo dựa trên thế mạnh của người dân đã góp phần đáng kể trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Đây là tiền đề quan trọng để xã tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả hơn, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân, xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.