Hiệu quả mô hình trồng táo Vietgap ở thôn Long Bình 1

(NTO) An Hải (Ninh Phước) có diện tích tự nhiên 2.091,98ha, trong đó có 1.210,77ha đất nông nghiệp (chiếm 57,9%). Do có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, An Hải có nghề trồng nho, táo khá phổ biến ở khắp 7 thôn trong xã. Riêng cây táo được trồng nhiều nhất tại thôn Long Bình 1, với diện tích trên 40ha, được coi là loại cây trồng thế mạnh của địa phương.

 
Ông Nguyễn Xuân Tòng chuẩn bị thu hoạch táo trồng theo hướng VietGAP.

Được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) tỉnh, để phát triển chuỗi giá trị táo, giữa tháng 5-2013, Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) và Ban Phát triển xã An Hải đã thành lập nhóm đồng sở thích trồng táo tại thôn Long Bình 1, gồm 15 hộ thành viên (trong đó có 4 hộ nghèo). Tham gia tổ nhóm này đều là nông dân đã có kinh nghiệm trong việc trồng táo và có điều kiện về đất trồng. Anh Nguyễn Xuân Tòng, trưởng nhóm trồng táo cho biết: “Diện tích trồng táo toàn tổ có khoảng 2,6ha, nhưng chỉ có 1,5ha trồng theo hướng VietGAP, trung bình mỗi hộ có 1 sào tham gia dự án”. Sau khi chính thức hoạt động, thông qua Quỹ Tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh (CSG), dự án có 2 đợt hỗ trợ tổ nhóm, với tổng kinh phí 100 triệu đồng. Đợt đầu vào tháng 11-2014, dự án hỗ trợ bình xịt thuốc, phân bón, pi tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho hộ thành viên và tổ chức tập huấn cách sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; đợt 2 trong năm 2015, hỗ trợ các hộ thành viên mua xe rùa, giỏ hái táo, phân bón, thuốc BVTV, chi phí lấy và thử mẫu táo, tổ chức tập huấn sản xuất an toàn theo hướng VietGAP.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hoạt động của nhóm trồng táo thôn Long Bình 1 đã có sự đổi mới đáng chú ý. Qua liên kết sản xuất trong nhóm, lợi ích có thể thấy rõ trước hết là ở khâu canh tác. Nhờ tham gia nhóm, các thành viên đã có thêm hiểu biết về quy trình bón phân, xịt thuốc, bảo đảm tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ nền tảng có được về sản xuất táo sạch, trong khuôn khổ Dự án HTTN tỉnh, từ cuối năm 2015, nhóm trồng táo thôn Long Bình 1 bắt đầu tham gia thực hiện tiểu dự án liên kết với Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi, một doanh nghiệp (DN) ở phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Tiếp cận với nhóm theo yêu cầu của tiểu dự án, DN cam kết thu mua táo tươi với giá tương đương trên thị trường. Trong quá trình liên kết bao tiêu sản phẩm, DN còn tài trợ mở lớp tập huấn sản xuất đầu vụ; bên cạnh đó dự án tổ chức các lớp tập huấn sản xuất an toàn, sử dụng bẫy bả diệt ruồi, thu hoạch, chế biến táo và hướng dẫn quy trình thực hiện theo hướng VietGAP cho các hộ thành viên trong nhóm.

Ngoài DN trên, nhóm trồng táo thôn Long Bình 1 còn kết nối tiêu thụ với Vựa thu mua trái cây Dương Thị Hồng Hà, một DN ngay tại địa phương. Sau khi tiểu dự án liên kết với Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi kết thúc, có đến 9/10 sản lượng táo của các hộ thành viên trong nhóm chủ yếu bán cho Vựa thu mua trái cây Dương Thị Hồng Hà phục vụ ăn tươi. Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi thu mua phần sản lượng táo còn lại để chế biến táo ngâm nước cốt nho sấy khô. Một hộ trong nhóm trồng táo chia sẻ: “Khi chưa liên kết, tôi bán hàng cho thương lái, giá cả không ổn định, nay liên kết, nông dân chúng tôi bán toàn bộ táo cho DN với giá cao hơn, thu nhập có tăng thêm so với trước đây còn làm ăn riêng lẻ”. Qua hình thành nhóm đã chứng minh chỉ có liên kết mới tạo cơ hội cho nông dân có đầu ra sản phẩm ổn định, đồng thời thiết lập mối quan hệ làm ăn bền vững, hướng tới mục tiêu tăng thu nhập cho người trồng táo.

Nằm dọc theo 2 bên dòng kênh Nam và có nguồn nước ngầm khá dồi dào, thôn Long Bình 1 khá thuận lợi về nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Có lẽ đây chính là một trong những yếu tố khiến táo trồng ở đây có trái to, đẹp và được các chuyên gia đánh giá có chất lượng ngon.