Phát triển chuỗi giá trị cây chuối ở Lâm Sơn

(NTO) Xã Lâm Sơn hiện có gần 3.500 hộ, với khoảng 14.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 36%. Triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTNT), trong định hướng phát triển chuỗi giá trị thế mạnh về cây ăn quả với một số loại chủ lực như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi, măng cụt, địa phương còn thí điểm thực hiện mô hình trồng chuối với mục tiêu tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo kết quả rà soát của Ban Phát triển HTTN xã Lâm Sơn, địa phương có gần 200 ha đất trồng chuối. Tuy nhiên, hầu hết diện tích chuối của người dân chủ yếu là giống chuối sứ bản địa, lại trồng tập trung ở những khu vực gò đồi, dốc núi; việc chăm sóc dựa vào yếu tố thời tiết nên sản lượng và chất lượng trái còn hạn chế.

 
Người dân thôn Tầm Ngân 1 hướng đến đầu tư chăm sóc cây chuối sứ bản địa, nâng cao thu nhập.

Cuối năm 2014, được sự hỗ trợ của Dự án HTTN, Ban Phát triển xã đã đưa vào trồng thí điểm hơn 1.300 gốc chuối cấy mô trên diện tích 2,4 ha đất vườn của 7 hộ gia đình tại nhóm chung sở thích trồng chuối thôn Tầm Ngân 1, được Quỹ Dự án nhỏ cạnh tranh (CSG) hỗ trợ gần 100 triệu đồng để hoạt động, các thành viên chỉ đối ứng 5% kinh phí. Tuy nhiên, do thời điểm đưa mô hình chuối cấy mô về trồng thí điểm gặp nắng hạn kéo dài đã làm chất lượng trái và sản lượng bị hạn chế, mặc dù qua đánh giá của một số thương lái thu mua (chủ yếu tại khu vực chợ Lâm Sơn) thì vị của chuối cấy mô khá thơm ngon.

Tuy việc thực hiện mô hình trồng chuối cấy mô chưa thật sự như mong đợi, nhưng theo đại diện Ban Phát triển xã, ngay từ khi dự án đi vào triển khai, địa phương đã xác định chuối là loại cây dễ trồng, có thể cho thu nhập quanh năm và đạt hiệu quả cao nếu biết đầu tư chăm sóc hợp lý. Theo anh Lê Tấn Lực, thành viên phụ trách hướng dẫn các nhóm chung sở thích của xã Lâm Sơn, cho biết: Dựa trên những kinh nghiệm đã áp dụng từ mô hình trồng chuối cấy mô, Ban Phát triển xã đã chủ động định hướng, kêu gọi các hộ dân nên đưa cây chuối sứ bản địa về trồng tập trung và tạo nhóm liên kết để chăm sóc phát triển. Bởi nếu được tập trung chăm sóc tốt, giá trị kinh tế của chuối sứ bản địa hoàn toàn có thể sẽ cao hơn rất nhiều so với chuối cấy mô. Qua công tác vận động, hiện nay, địa phương đã củng cố và phát triển lên thêm 4 nhóm trồng chuối tại các thôn Tầm Ngân 1, Tầm Ngân 2, Tầm Ngân 3, Gòn 1, với tổng số gần 40 hộ thành viên.

Cùng với việc vận động bà con liên kết đầu tư vào cây chuối, để đảm bảo đầu ra sản phẩm của người dân, hiện nay, xã đã liên kết với 2 đơn vị đứng ra cam kết thu mua bao tiêu sản phẩm của người dân với giá cả hợp lý. Trong đó gồm một cơ sở tại huyện Ninh Hải và một cơ sở thu mua ngay trên địa bàn xã là cơ sở Phương Thảo (hiện cơ sở này đã đầu tư máy cắt, máy sấy để sản xuất sản phẩm chuối sấy khô cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh). Ngoài ra, cũng đã có một số thương lái đặt vấn đề với các nhóm về việc thu mua sản phẩm đi Đồng Nai.

Có thể nói, hiện nay bước đi quan trọng mà Ban Phát triển xã Lâm Sơn đã tháo gỡ được cho người dân là khâu bao tiêu sản phẩm đã cơ bản được giải quyết. Vấn đề còn lại chính là công tác vận động người dân thực hiện chuyển đổi phải đồng bộ và hợp lý, có như vậy giá trị cây chuối sẽ không ngừng được nâng cao và hướng đến hoàn thành mục tiêu chính của Dự án HTTN là góp phần nâng cao đời sống và cải thiện kinh tế cho người dân các vùng đặc biệt khó khăn.