Đồng chí Mai Duy Bàng, Chủ tịch UBND xã Công Hải, cho biết: Đạt được danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ là thành công bước đầu, việc giữ vững danh hiệu và nâng cao chất lượng các tiêu chí mới là quan trọng. Để thật sự mang lại hiệu quả bền vững, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Nông dân xã Công Hải gieo trồng cây đậu xanh ít sử dụng nước tưới, cho thu nhập ổn định trong những tháng khô hạn.
Theo đó, xã tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách từng tiêu chí và địa bàn thôn cụ thể. Phấn đấu trong giai đoạn tới, xã tiếp tục duy trì, nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên mức 23,6 triệu đồng; nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên từ mức 95% lên 97%; phát huy tối đa hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ nghèo, cận nghèo để mục tiêu giảm nghèo đạt kết quả tốt nhất; 10/10 điểm trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất…
Đi đầu trong hoạt động xây dựng nông thôn mới thời gian qua, đến nay, bộ mặt nông thôn tại thôn Hiệp Kiết đã có nhiều đổi thay. Khó khăn lớn nhất hiện nay của thôn là việc duy trì tiêu chí số 10 - tiêu chí về thu nhập. Với đặc thù là vùng sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được Ban Quản lý thôn xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập gắn với xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm. Vụ đông-xuân năm nay, thôn Hiệp Kiết tích cực chuyển đổi hơn 20ha đất trồng lúa sang trồng bắp, đậu xanh và cỏ chăn nuôi. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhân dân trong thôn đã áp dụng mô hình thâm canh “1 phải, 5 giảm” trên 82ha đất trồng lúa, vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa giảm lượng nước tưới phù hợp với tình hình hạn hán hiện nay. Bên cạnh đó, nông dân thôn Hiệp Kiết còn liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam gieo trồng hơn 100ha lúa giống với giá thành cao hơn sản xuất lúa thông thường 500 đồng/kg. Một số hộ dân cũng mạnh dạn đưa cây nha đam về trồng thử nghiệm với hy vọng tìm ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đến nay, 5 sào nha đam trồng thử nghiệm đang phát triển bình thường. Hiện nay, thôn cũng đang thử nghiệm mô hình chăn nuôi gà và bồ câu theo hình thức gia trại tại 11 hộ gia đình, chú trọng phát triển số lượng đàn. Anh Đặng Trung Thu, Trưởng thôn Hiệp Kiết, chia sẻ: Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại cho Nhân dân điều kiện tốt hơn tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục và cả phát triển kinh tế.
Một góc khu dân cư Suối Giếng (Công Hải, Thuận Bắc) ngày nay. Ảnh: Sơn Ngọc
Suối Giếng là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Công Hải với 95% là đồng bào Raglai. Theo số liệu sơ bộ từ cuộc điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới, thôn Suối Giếng có gần 50% hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đời sống Nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong khi bình quân đất canh tác chưa tới 500m2/người. Do đó, việc khuyến khích, vận động Nhân dân tận dụng tốt nguồn vốn từ các chương trình đầu tư vào chăn nuôi để phát triển kinh tế, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo là hướng đi được địa phương chú trọng. Vụ đông-xuân năm nay, thôn Suối Giếng chuyển đổi hơn 15ha diện tích đất khó khăn về nguồn nước sang trồng đậu xanh và bắp. Thời điểm này, một số diện tích đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Phấn đấu trong năm 2016, thôn sẽ cứng hóa 100% đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng trên địa bàn.
Tin rằng với quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền và sự đồng thuận cao của Nhân dân, Công Hải sẽ thành công trong việc giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngọc Diệp