Thôn Đầu Suối B có 79 hộ, trong đó có 33 hộ nghèo. Qua khảo sát của BPT xã, các hộ nghèo có điểm chung là thiếu vốn và đất sản xuất. Căn cứ vào tình hình thực tế, BPT xã xác định, để giúp các hộ có nguồn thu nhập ổn định, giải pháp hữu hiệu nhất là hỗ trợ triển khai mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên. Tháng 3-2014, BPT xã vận động thành lập Nhóm đồng sở thích nuôi dê thôn Đầu Suối B theo mô hình Heifer. Theo đó, từ nguồn vốn Dự án HTTN, 5/10 hộ trong nhóm được hỗ trợ mỗi hộ 4 con dê sinh sản, nuôi bằng hình thức xoay vòng. Ưu điểm của mô hình là sau khi dê cái đẻ sẽ bàn giao con giống cho hộ khác nuôi, nên lần lượt các thành viên trong nhóm đều được hưởng lợi.
Chị Pi-năng Thị Yến, thôn Đầu Suối B, xã Phước Chiến, có cơ hội thoát nghèo
nhờ được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông để phát triển chăn nuôi dê.
Đến nay, sau 21 tháng thực hiện, từ 20 con giống ban đầu đã tăng lên 32 con và một số đang cấn chửa. Anh Chamaléa Hét, Trưởng Nhóm đồng sở thích nuôi dê thôn Đầu Suối B, cho biết: Nhờ con giống tốt, các hộ hưởng lợi chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật, nên dê phát triển nhanh.
Chị Pi-năng Thị Bếp cho biết: Gia đình thuộc diện nghèo được ưu tiên nhận giống dê sinh sản về nuôi đợt đầu. Khi mới nhận giống, mỗi con nặng khoảng 10kg, đến nay trọng lượng đạt 50 kg/con. Giống dê bách thảo không kén thức ăn, kháng bệnh tốt, với đà phát triển như hiện nay, khoảng 1 năm nữa gia đình sẽ có đàn dê 20 con. Có thể nói, mô hình nuôi dê Heifer đã tạo sinh kế cho hộ nghèo. Đơn cử như hộ anh Chamaléa Thét, từ chỗ không có vật nuôi đến nay đã có 8 con dê, trị giá khoảng hơn 20 triệu đồng, anh đang dự tính mở rộng chuồng, mua thêm giống về gầy đàn.
Mô hình nuôi dê Heifer ở thôn Đầu Suối B bước đầu đạt hiệu quả đó là nhờ các hộ xác định được mục đích, ý nghĩa của dự án nhằm góp phần tăng thu nhập, tạo cơ hội cho gia đình thoát nghèo. Ngoài chăn thả trên rẫy, bà con còn chịu khó thu gom phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho dê. Theo tính toán của các thành viên trong nhóm, đến giữa năm 2016, dự kiến tổng đàn tăng từ 32 con hiện nay lên 50 con, khi đó sẽ chuyển giao cho 5 hộ tiếp theo nuôi. Với đà này, không lâu nữa các hộ nghèo sẽ có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.
Đồng chí Chamaléa Hiến, Chủ tịch UBND xã Phước Chiến, nhìn nhận: Nuôi dê Heifer có ưu điểm vượt trội so với các hình thức chăn nuôi trước đây ở chỗ sớm cải thiện được đời sống cho nông dân, phù hợp với trình độ sản xuất của bà con vùng cao. Dê là vật nuôi sinh sản nhanh, tốc độ nhân đàn cao, tham gia mô hình nuôi dê Heifer trong thời gian ngắn bà con đủ điều kiện thoát nghèo. Nhằm tạo ra chuỗi giá trị trong chăn nuôi, BPT xã đang tích cực hỗ trợ nhóm xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, làm trung gian tạo mối liên kết giữa hộ chăn nuôi với các cơ sở cung cấp con giống, chế biến thực phẩm, đảm bảo ổn định đầu vào và đầu ra cho sản phẩm của các thành viên trong nhóm.
Anh Tùng