Tác động qua 4 năm thực hiện dự án ở huyện Thuận Nam

(NTO) Vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) huyện Thuận Nam được triển khai tại các xã Nhị Hà và Phước Hà, là 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao và có đông đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Xác định mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình ở nông thôn một cách bền vững, Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp (DASU) huyện Thuận Nam đã đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các hợp phần của dự án, chú trọng phát triển chuỗi giá trị bò, dê, cừu và heo đen.

 
Các hộ thành viên nhóm chăn nuôi cừu xã Nhị Hà được hỗ trợ của dự án đã dần cải thiện cuộc sống.

Với tổng diện tích đất tự nhiên trên 56.453ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp có 10.877ha, riêng đất lúa là 1.441ha, còn lại là diện tích đất trồng cây hàng năm khác nhưng sản suất không chủ động nước, vì thế Thuận Nam luôn coi chăn nuôi gia súc là lợi thế của huyện. Đặc biệt đối với 2 xã vùng dự án, do điều kiện tự nhiên, khí hậu thích hợp, lĩnh vực chăn nuôi được DASU Thuận Nam lựa chọn ưu tiên phát triển. Sau khi tổ chức nhiều đợt tập huấn về phát triển và thành lập tổ, nhóm đồng sở thích, năm 2013, Thuận Nam đã thành lập được 4 tổ nhóm đồng sở thích (có chung lợi ích) chăn nuôi bò tại 2 xã vùng dự án, trong đó mỗi xã có 2 tổ (mỗi tổ có 15-20 thành viên). Qua quá trình mở rộng, đến nay, Thuận Nam đã thành lập tại 2 xã được 10 nhóm đồng sở thích chăn nuôi, với tổng số 126 thành viên. Từ 4 chuỗi giá trị được Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh phân tích, đánh giá và nâng cấp ban đầu, DASU Thuận Nam đã xác định thế mạnh chuỗi giá trị sản phẩm cụ thể của từng xã, kể cả của từng thôn, qua đó lựa chọn thêm các chuỗi giá trị sản phẩm tiềm năng là lúa, bắp, đậu xanh, mãng cầu, xoài.

Theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, đưa nhanh các tiến bộ khoa học-công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất/ha, Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh đã tích cực giúp đỡ DASU Thuận Nam đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các hợp phần của dự án trên địa bàn huyện. Thực hiện tiểu hợp phần 2 “Thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh nông nghiệp vì người nghèo” thuộc Hợp phần 2 “Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo”, thông qua Quỹ CSG (Quỹ tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh), năm 2014, DASU Thuận Nam có 3 hồ sơ đề xuất được phê duyệt tài trợ gồm 2 nhóm chăn nuôi bò và 1 nhóm chăn nuôi cừu với tổng vốn đầu tư của dự án là 297,7 triệu đồng, huy động vốn đối ứng bằng tiền mặt của người dân là 44,8 triệu đồng. Việc triển khai thực hiện dựa trên kế hoạch sản xuất, kinh doanh được phê duyệt tài trợ từ Quỹ CSG mang lại hiệu quả tích cực, giảm chi phí sản xuất khoảng 10%, nâng cao thu nhập khoảng 20% cho hộ dân. Dự kiến đến cuối năm nay nhóm chăn nuôi cừu sẽ có 2 hộ thoát nghèo và 3 hộ từ nghèo lên cận nghèo.

Bên cạnh phát triển các chuỗi giá trị của các nhóm cùng sở thích, trong 2 năm 2013 và 2014, DASU Thuận Nam còn đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn từ nguồn vốn Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF) cho các xã vùng dự án. Theo đó, đã hoàn thành tổng cộng 10 công trình, trong đó nâng cấp, cứng hóa 4 công trình đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 2.581m, 1 công trình kênh mương với tổng chiều dài 376m; xây dựng 2 chợ với tổng diện tích 557m2, 3 công trình cầu vận chuyển qua kênh với tổng chiều dài 496m và 10 công trình được đầu tư phục vụ chủ yếu cho chuỗi bắp, lúa, đậu xanh, bò, cừu. Hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh, được sự hưởng ứng và hài lòng của người dân địa phương. Ước tính có tổng số 1.411 hộ dân hưởng lợi (905 hộ dân tộc thiểu số), trong đó có 850 hộ nghèo, cận nghèo (chiếm 60,2%).

Theo đồng chí Ngô Văn Sậy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban DASU Thuận Nam, nhìn chung qua 4 năm triển khai và thực hiện, những hoạt động của Dự án HTTN tỉnh đã đem lại cơ hội cho các hộ nghèo và cận nghèo cải thiện cuộc sống và vị thế của họ. Ngoài tăng đáng kể mức thu nhập so với năm 2011, thông qua những khóa tập huấn, các hộ nghèo và cận nghèo đã được tiếp cận kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi, nâng cao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp. Trong những năm tới, để đẩy nhanh tiến độ dự án, DASU Thuận Nam đặt trọng tâm tập trung ưu tiên phát triển chuỗi giá trị trên cơ sở hoàn chỉnh hoạt động của các tổ, nhóm và các quỹ CSG, đồng thời lồng ghép hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết tham gia hoạt động chuỗi giá trị và hỗ trợ vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, hỗ trợ quảng bá sản phẩm tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại.