Tạo mối liên kết phát triển các chuỗi giá trị ở xã Nhị Hà

(NTO) Nhị Hà là 1 trong 2 xã ở huyện Thuận Nam được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông. Thời gian qua, Ban Phát triển (BPT) xã đã triển khai có kết quả các hợp phần của Dự án, tạo sinh kế cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Anh Trần Phước Trung, cán bộ BPT xã, cho biết: Xuất phát từ thực tế của địa phương, quá trình triển khai Dự án, xã ưu tiên tập trung thực hiện Hợp phần phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo, với 4 chuỗi giá trị chủ lực: Bò, cừu, heo, táo và các chuỗi giá trị tiềm năng: lúa, bắp, đậu xanh, mãng cầu. Qua đó, BPT xã đã xây dựng kế hoạch hành động, đầu tư tạo điều kiện cho các chuỗi phát triển, chú trọng hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các nhóm đồng sở thích; triển khai các mô hình thí điểm để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ nghèo. Cụ thể, mô hình nuôi bò vỗ béo triển khai ở Thôn 1 vào giữa năm 2014 đến nay đã đạt được hiệu quả bước đầu, tạo sinh kế cho 4 hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, hay như mô hình nuôi cừu ở Thôn 3 giúp 8 hộ nghèo có thêm thu nhập.

 
Dự án Hỗ trợ Tam nông đã tạo sinh kế cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở xã Nhị Hà vươn lên phát triển sản xuất.

Nét chuyển biến tích cực trong thực hiện Dự án ở thời gian gần đây là BPT xã tăng cường các hoạt động nhằm tạo sự liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các tổ, nhóm. Đến nay các nhóm đồng sở thích đã xây dựng được mối liên kết với Công ty CP giống cây trồng Nha Hố, Trang trại chăn nuôi bò Long Hoàng, HTX DV - TH Nông nghiệp - chăn nuôi Tân Hà, HTX DV - TH nông nghiệp Nhị Hà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo cơ hội cho nông dân tham gia vào thị trường. Để hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp đã hỗ trợ 2 máy băm cỏ và triển khai mô hình chế biến, bảo quản thức ăn gia súc. 50 hộ được hưởng lợi từ mô hình đã tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp chế biến thức ăn gia súc, giảm được 10 - 20% chi phí chăn nuôi.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng tạo thuận lợi để phát triển sản xuất, phục vụ dân sinh, trong 4 năm thực hiện Dự án, đến nay trên địa bàn được đầu tư 1 công trình chợ, 5 công trình nâng cấp đường giao thông với tổng chiều dài hơn 2.000 m và một số công trình kênh mương nội đồng phục vụ chuỗi giá trị bắp, lúa, đậu xanh, bò, cừu. Theo đánh giá của BPT xã, sau khi hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến. Nông dân tập trung phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng ở địa phương và có thị trường tiêu thụ ổn định.

Hiện nay, BPT xã đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung Quỹ Tài trợ cạnh tranh nhỏ (Quỹ CSG) đến tất cả các nhóm đồng sở thích để xây dựng hồ sơ xin tài trợ kinh phí để mở rộng sản xuất. Đáng mừng là, có 2 hồ sơ của nhóm đồng sở thích nuôi bò, cừu được phê duyệt tài trợ với tổng vốn đầu tư gần 200 triệu đồng. Anh Trần Phước Trung, cho biết thêm: Việc triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh được phê duyệt tài trợ từ Quỹ CSG mang lại hiệu quả tích cực, giảm chi phí sản xuất khoảng 10%, nâng cao thu nhập cho các thành viên trong nhóm lên 20%.