DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG TỈNH:

Phước Bình - Hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông

(NTO) Phước Bình là 1 trong 9 xã của huyện Bác Ái nằm trong vùng hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN). Toàn xã có 6 thôn, với 892 hộ/4.168 nhân khẩu, trong đó hơn 90% là đồng bào dân tộc Raglai.

Xác định việc triển khai thực hiện Dự án sẽ góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo ở địa phương, nên từ năm 2011 đến nay, xã đã tập trung triển khai đồng bộ các hợp phần, từng bước cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình trồng xen canh bưởi da xanh và chuối của hộ thành viên nhóm sở thích
thôn Gia É.

Là xã vùng cao nên người dân Phước Bình chủ yếu trồng trọt trên đất núi và triền dốc, với diện tích gieo trồng cây hàng năm khoảng 1.500ha (chủ yếu là bắp, đậu các loại) và hơn 700ha cây lâu năm (như điều, chuối, cà phê...). Sản xuất nông nghiệp của xã những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực nhờ bà con đã biết phát huy điều kiện thổ nhưỡng, áp dụng các mô hình chuyển giao khoa học-kỹ thuật mang lại hiệu quả cao. Đáng kể là mô hình trồng cây lâu năm trên đất triền dốc; mô hình xen canh bắp lai- đậu xanh; đặc biệt là diện tích trồng chuối ở địa phương những năm gần đây phát triển rộng, từ vài chục ha trồng xen canh nay đã lên tới 741ha trồng tập trung trên các sườn đồi. Bên cạnh đó, dựa vào lợi thế khu vực miền núi, địa phương cũng chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc có sừng theo hướng cải tạo, nâng cao chất lượng đàn và xác định đây là giải pháp mang tính căn cơ giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững. Theo thống kê, tổng đàn gia súc của xã là 1.189 con, chủ yếu là bò với 832 con. Qua phân tích, đánh giá tình hình kinh tế, xã xác định được chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương là bò, heo đen, bắp, chuối và bưởi da xanh. Từ đó, Ban Phát triển xã đã thành lập được 19 nhóm sở thích (NST), bao gồm: 6 NST chăn nuôi bò, 10 NST trồng bắp, 2 NST trồng bưởi và 1 NST nuôi heo đen; mỗi nhóm từ 7-20 thành viên. Ưu tiên cho các hộ nghèo và cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với kỹ thuật trồng bắp lai, chuối, bưởi da xanh; kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản; hỗ trợ giống bò và heo đen; hỗ trợ vật tư đầu vào và máy móc cho các NST.

Chị Nguyễn Thị Việt Trang, cán bộ chuyên trách Tam nông xã cho hay: Thông qua Dự án HTTN, nông dân địa phương được tiếp cận với phương thức liên kết trong sản xuất và từng bước phát huy được hiệu quả lợi ích nhóm. Điển hình như 41 hộ thành viên thuộc 2 NST trồng bưởi da xanh ở thôn Gia É và Bạc Rây 2, sau khi nhận 6.080 cây giống đã tiến hành trồng theo mô hình xen canh bưởi-chuối, bưởi-cà phê; tận dụng tối đa diện tích canh tác, nâng cao giá trị sản xuất. Ở các NST nuôi bò, các thành viên đã quản lý tốt 6 con đực phối giống và 55 con bò cái sinh sản do Dự án HTTN hỗ trợ, hoạt động dưới hình thức nhóm quản lý con đực giống và xoay vòng cứ 2 hộ nhận 1 con bò cái sinh sản. Qua gần 2 năm tổ chức chăn nuôi theo hình thức liên kết NST đã bước đầu tạo sinh kế cho bà con. Vừa qua, Ban Phát triển xã thực hiện liên kết với Doanh nghiệp Mạnh Xuân triển khai thực hiện mô hình trồng bắp lai cho 55 hộ dân tại thôn Hành Rạc 1, với diện tích 36,3 ha theo hướng “bao tiêu” cho bà con từ khâu đầu tư sản xuất đến tiêu thụ.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng chung từ nguồn vốn của Dự án, Ban Phát triển xã đã tiến hành thi công và đưa vào sử dụng nhiều công trình phục vụ sản xuất và dân sinh như: Xây dựng cầu bê-tông vào khu sản xuất Hành Rạc 1; nâng cấp, lắp đặt hệ thống nước tự chảy thôn Gia É và Hành Rạc 1; bê-tông đường vào vùng trồng bắp thôn Hành Rạc 2; xây dựng đường cấp phối vào vùng trồng bắp, chuối của thôn Bố Lang; xây dựng sân phơi nông sản cho 4 thôn Gia É, Bố Lang, Bạc Rây 1 và Bạc Rây 2. Nhờ đó, tạo thuận lợi cho nhân dân trong vùng đi lại, sản xuất và góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Đánh giá tác động của Dự án HTTN trên địa bàn, đồng chí Pi-năng Thị Cô, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Những đầu tư về hạ tầng cũng như hỗ trợ trong sản xuất của Dự án HTTN đã từng bước làm thay đổi nhận thức của bà con Raglai trong áp dụng khoa học-kỹ thuật, nâng cao năng suất, giá trị nông nghiệp để tăng thu nhập, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2015, ngoài tiếp tục triển khai các tiểu hợp phần trong giai đoạn cuối, Ban Phát triển xã chú trọng liên kết, hỗ trợ các NST ổn định sản xuất, chăn nuôi, giúp người dân tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.