Tân Hải: Phát huy vai trò chủ thể người dân trong xây dựng nông thôn mới

(NTO) Đến Tân Hải (Ninh Hải) vào những ngày giữa tháng 10, có thể cảm nhận rõ không khí háo hức của cán bộ và người dân địa phương chờ đợi thời điểm công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trên các tuyến đường liên thôn từ Gò Đền qua Gò Thao, từ Hòn Thiên ra Thủy Lợi, các pa-nô, khẩu hiệu tươi màu được lắp đặt tạo thêm khí thế sôi nổi hơn. Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện, Tân Hải đã trở thành xã thứ hai của huyện đạt chuẩn NTM.

Với địa hình nằm ven Đầm Nại, xã Tân Hải có diện tích tự nhiên hơn 871ha, trong đó có 586ha đất nông nghiệp (chiếm 67,31%). Toàn xã có 4 thôn với 2.213 hộ/9.650 nhân khẩu, trong đó có trên 90% người dân sống bằng nghề nông (nuôi tôm, làm ruộng và chăn nuôi). Là xã nghèo so với nhiều nơi khác trên địa bàn huyện, Tân Hải còn kém lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và không có nhiều nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Lắp đường điện thắp sáng từ thôn Thủy Lợi đến thôn Hòn Thiên, thôn Gò Đền và thôn Gò Thao.

Thế nhưng với quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân địa phương, Tân Hải đã vượt qua khó khăn, có nhiều cách làm sáng tạo nhằm thúc đẩy phong trào xây dựng NTM. Để phát huy vai trò chủ thể của người dân, công tác tuyên truyền được cả hệ thống chính trị tập trung đẩy mạnh. Anh Phan Thanh Thư, cư dân thôn Gò Đền, chia sẻ: Được cán bộ xã, thôn tận tình giải thích nhiều lần, người dân chúng tôi hiểu ra và đã đồng tâm ủng hộ, đóng góp xây dựng NTM, trực tiếp phân công nhau giám sát thi công, bảo đảm chất lượng các công trình hạ tầng giao thông, điện....

Trong những năm qua, nhờ sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân, bộ mặt nông thôn ở xã Tân Hải được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Tính đến nay, các thôn đã thực hiện bê-tông 4,5km (100%) đường liên thôn; 100% đường ngõ, xóm; 10,2km/11,2km (91,1%) đường bê-tông nội thôn, và 6,5km đường nội đồng; kiên cố hóa 14.082m/19.419m kênh mương nội đồng cấp 3 (72,5%), cơ bản đáp ứng yêu cầu đi lại và sản suất nông nghiệp cho diện tích 275ha đất trồng lúa và nước cho nuôi trồng thủy sản. Đồng chí Nguyễn Thái Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hải, cho biết: Với quan điểm không trông chờ, ỷ lại đầu tư của Nhà nước, cấp ủy Đảng cùng với chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khơi dậy được nội lực trong Nhân dân. Nhiều nơi như thôn Hòn Thiên, Nhân dân tự vận động 947 triệu đồng và 1.650 ngày công lao động làm đường bê-tông liên thôn và nội thôn với chiều dài 2,1km; các thôn Gò Đền, Gò Thao đóng góp 684 triệu đồng làm 1,8km đường bê-tông liên thôn và nội thôn. Gần đây, thực hiện mô hình “Chính quyền và giáo xứ Gò Đền vì một môi trường xanh”, người dân thôn Gò Đền đã đóng góp 57 triệu đồng, tiến hành trồng cây xanh từ Quốc lộ 1A đến nhà thờ Gò Đền, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Một trong những tiêu chí khó khăn nhất là tăng thu nhập, để giải quyết vấn đề này Tân Hải đã chú trọng tạo điều kiện cho Nhân dân sản xuất và có việc làm ổn định. Ngoài việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể, Tân Hải đã phối hợp các ngân hàng giải ngân vốn cho hộ nghèo, chủ động tổ chức các lớp đào tạo nghề, đặc biệt đã đưa hàng chục hộ nghèo, cận nghèo đi đến các tỉnh bạn học tập mô hình về ứng dụng sản xuất, đơn cử việc nuôi cá mú và nuôi hàu Thái Bình Dương. Tân Hải đã tranh thủ nguồn vốn lồng ghép từ nhiều chương trình dự án, trong đó nổi bật là Dự án Hỗ trợ Tam nông. Tác động từ dự án thể hiện rõ qua nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cho nông dân tham gia trong 14 nhóm cùng sở thích; việc xây dựng 2 tuyến đường bê-tông nội đồng dài 1.107m, phục vụ vận chuyển nông sản thôn Gò Đền, Gò Thao và bê-tông 2 sân phơi nông sản thôn Gò Đền, Thủy Lợi với tổng diện tích 3.610m2. Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, nông dân thôn Thủy Lợi, cho biết: “Nhờ nuôi gà theo mô hình của Dự án Hỗ trợ Tam nông, hằng tháng tôi lãi 6-7 triệu đồng, góp phần tăng thu nhập cho gia đình”. Nhìn chung sau khi triển khai các mô hình sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và nâng mức sống cho Nhân dân, từ thu nhập bình quân 10,5 triệu đồng/người/năm 2011, đến nay đã nâng lên 25,5 triệu/người/năm; theo đó, tỷ lệ hộ nghèo ở Tân Hải giảm từ 11,3% xuống còn 4,31%.

Theo đồng chí Nguyễn Thái Vinh, qua kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm mà Tân Hải rút ra là muốn thực hiện Chương trình xây dựng NTM được thuận lợi và đạt hiệu quả cao, nhân tố quyết định chính là sự đồng thuận của Nhân dân. Vì vậy, Tân Hải luôn coi công tác tuyên truyền, vận động là điều đầu tiên quan trọng nhất nhằm làm cho người dân hiểu rõ, thấy được trách nhiệm của mình với vai trò chủ thể trong xây dựng NTM.