Hội Nông dân Bác Ái: Đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới

(NTO) Hội Nông dân huyện Bác Ái có 9 cơ sở Hội và 39 Chi hội thôn, với 6.375 hội viên. Thời gian qua, Hội đã cùng với các cấp, các ngành tích cực vận động hội viên tích cực tham gia phong trào thi đua phát triển kinh tế, ổn định đời sống, góp phấn xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời với việc vận động người dân góp của, góp công tu sửa đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương, hiến đất xây dựng các công trình, làm đường, Hội Nông dân huyện Bác Ái đã quan tâm thúc đẩy phong trào phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện chủ động xây dựng các dự án, mô hình để các hội viên vay vốn đầu tư sản xuất, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Nổi bật là các mô hình như: Trồng lúa nước ở xã Phước Thắng với diện tích 20 ha, có 25 hộ tham gia; mô hình trồng bắp lai tại xã Phước Bình cho thu hoạch đạt năng suất cao; Dự án nuôi dê sinh sản của 12 hộ dân xã Phước Trung….

 
Khởi sắc Phước Bình (Bác Ái). Ảnh: Văn Miên

Anh Tà Yên Ốn (thôn Rã Giữa, xã Phước Trung), được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân 20 triệu đồng, đầu tư nuôi dê sinh sản, chia sẻ: Lúc trước, gia đình tôi nuôi dê thả rong, nên sinh trưởng chậm, hay bị bệnh. Khi tham gia dự án nuôi dê sinh sản của Hội Nông dân huyện, đàn dê nhà tôi phát triển khá tốt, ít bệnh, đến nay đã nâng đàn lên 12 con. Phước Trung có 12 hộ tham gia dự án, hiện đàn dê của các hộ này phát triển khá tốt. Ông Chamaléa Nông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Trung cho biết: Không chỉ được vay vốn, khi tham gia Dự án, các hộ được tập huấn về cách nuôi và chăm sóc dê. Cán bộ huyện đến tận hộ hướng dẫn cách xây dựng chuồng trại, tận dụng các loại lá cây vườn để nuôi dê, hạn chế kinh phí mua thức ăn.

Để thuận lợi cho người dân trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, Hội Nông dân huyện đã vận động Hội Nông dân cấp xã phối hợp với các ngành tham gia chương trình Dự án Hỗ trợ Tam nông. Đến nay, đã thành lập 19 nhóm cùng sở thích về chăn nuôi và trồng trọt; tiếp tục duy trì Tổ vần đổi công giữa các hộ gia đình nhằm tiết kiệm chi phí, nhân công, rút ngắn thời gian chăm sóc cây trồng. Hội Nông dân huyện cũng phối hợp với các ngành mở 5 lớp dạy nghề cho nông dân ở các xã Phước Trung, Phước Thành, Phước Thắng, Phước Đại về kỹ thuật trồng trọt, đan lát gắn với thị trường hàng hóa; hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…

Ông Trương Thọ Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết: Trong năm 2013, Hội đã phối hợp và trực tiếp giúp đỡ gần 600 hội viên thoát nghèo. Thời gian qua, nông dân trong huyện tích cực tham gia Chương trình xây dựng NTM, nhiều mô hình kinh tế được các hội viên áp dụng vào sản xuất và từng bước đạt hiệu quả, bước đầu giúp đồng bào Raglai thay đổi dần tập quán canh tác lạc hậu trước đây để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.