Vấn đề hôm nay:

Gỡ được “nút thắt” là... thông!

(NTO) Có thể nói trong vài tháng trở lại đây, không khí xây dựng nông thôn mới (NTM) ở nhiều địa phương trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Và cũng chính từ không khí đó mà người dân - “chủ thể” của NTM - mới thật sự hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia các hoạt động của địa phương.

Rõ nhất, đó là nhiều địa phương đã và đang phát động “phong trào” đổi mới bộ mặt nông thôn bằng việc “bê-tông hóa” đường giao thông từ nguồn hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp và công sức của người dân sở tại. Nói là đơn giản vậy nhưng không phải dễ thực hiện, bởi lẽ những năm qua do bị “thắt” ở thủ tục thanh toán theo quy định còn khá nhiêu khê, yêu cầu phải đúng “chuẩn” về trình tự thủ tục xây dựng cơ bản... nên dù có quyết tâm nhưng không ít địa phương phải “thúc thủ” do không huy động được đóng góp vốn “đối ứng” từ 30-40% của người dân để trả cho nhà thầu!.

 
ĐV-TN ham gia làm đường giao thông nông tại thôn Tân Hiệp, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn).
Ảnh: Văn Miên

Nay mọi chuyện đã khác. Thực hiện chủ trương của tỉnh là ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước thì người dân tham gia “vốn đối ứng” bằng tiền (nếu không có công lao động) hoặc bằng ngày công được quy ra bằng tiền cần phải đóng góp. Tuy nhiên, để người dân hiểu rõ, cả hệ thống chính trị ở cơ sở phải vào cuộc, phải để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” một cách công khai, minh bạch. Chính cách làm này đã “tháo” được “nút thắt” từ bấy lâu nay. Có địa phương như xã Công Hải (Thuận Bắc) đã có cách làm sáng tạo là mỗi thôn thành lập một đội xây dựng để làm đường giao thông tại nội thôn. Một khi chính người dân vừa tham gia làm, vừa “kiêm” làm nhiệm vụ giám sát thì không thể thất thoát vật tư đồng nghĩa với chất lượng công trình và niềm tin người dân càng vững chắc...

Từ thực tế câu chuyện gỡ được “nút thắt” là... thông khi làm đường giao thông nông thôn đã gợi mở về một số vấn đề trong xây dựng NTM. Đó là cần công khai và tuyên truyền để người dân hiểu về vai trò “chủ thể” của mình trong việc tham gia và quyết định công việc cần phải làm, phải đóng góp, trở thành “dân vận viên” ở tại cơ sở và cũng chính là người thụ hưởng từ những thành quả đó. Cấp trên cơ sở chỉ “cho” chủ trương còn việc vận dụng thực hiện có hiệu quả hay không là do cơ sở, là từ sự đồng thuận của nhân dân. Bác Hồ đã dạy: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Hy vọng rằng, bài học này sẽ luôn được vận dụng tốt và con đường xây dựng NTM ở tỉnh ta sẽ sớm thành hiện thực đúng theo lộ trình đã định.