Vấn đề hôm nay:

Đồng thuận để huy động nguồn lực trong dân

(NTO) Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang được nhiều địa phương trong tỉnh hiện thực hóa từ chủ trương chung của tỉnh.

Tùy theo đặc điểm, tình hình... mỗi địa phương có cách làm khác nhau, tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy điểm chung nhất đưa đến kết quả cao đó là thông tin tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức được vai trò làm chủ và thụ hưởng thành quả không ai khác chính là người dân tại địa phương. Hay nói khác hơn, một khi đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân thì mọi việc được thông suốt. Có thể kể ra một số địa phương tiêu biểu như xã Phước Thái (Ninh Phước) qua vận động của chính quyền, các đoàn thể, người dân đã đồng lòng đóng góp trên 140 triệu đồng để thực hiện bê-tông hóa 1.300m2 sân trường tiểu học thôn Như Bình, Hoài Trung; đóng góp 1,1 tỷ đồng để làm 1.500m đường nông thôn tại các thôn Đá Trắng, Như Bình, Thái Giao; vận động 18 hộ dân hiến 3.850m2 đất để xây dựng kênh mương và đường nội đồng, trong đó riêng hộ ông Trần Văn Quang ở thôn Thái Hòa hiến 1.500m2 đất.

 
Đường giao thông khu dân cư Tân Hiệp (xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn)
được Nhà nước và nhân dân cùng làm khang trang, sạch đẹp.
Ảnh: Sơn Ngọc

Ngoài ra còn huy động được trên 2,6 tỷ đồng để xây dựng 146 căn nhà cho hộ nghèo... Hay như xã Công Hải (Thuận Bắc) đã vận động 30 hộ dân thôn Suối Vang, Hiệp Kiết hiến trên 1.000m2 đất làm đường, kênh nội đồng... Trong nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi đã được người dân “thông” nên tích cực tham gia, kể cả việc đóng góp để đối ứng như mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao; mô hình tưới tiết kiệm; mô hình nuôi heo địa phương... đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi bộ mặt nông thôn. Theo thống kê chưa đầy đủ, qua lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn vay, đóng góp từ các doanh nghiệp, người dân... đã đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh, cải tạo nhà ở, vệ sinh môi trường... theo các tiêu chí xây dựng NTM với tổng kinh phí trên 4.630 tỷ đồng. Có thể nói, đây cũng là cơ sở để góp phần không nhỏ đẩy lùi số hộ nghèo ở nông thôn. Đơn cử như, năm 2010 số hộ nghèo ở khu vực nông thôn có gần 15.930 hộ, chiếm 17,6% hộ nghèo toàn tỉnh thì đến cuối năm 2012 tỷ lệ này đã hạ xuống còn 14,76%. Hay như thu nhập bình quân đầu người từ 11,96 triệu đồng năm 2010, đến năm 2012 đã tăng lên 14,81 triệu đồng, bằng 0,77 lần so với bình quân chung toàn tỉnh...

Thành quả từ sự “đồng thuận” như đã nêu trên là quá rõ, tuy nhiên thực tế vẫn còn không ít địa phương làm chưa tốt công tác tuyên truyền, vận động, “dân vận” chưa khéo, chưa tích cực... nên người dân chưa “thông” dẫn đến còn trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước là chính. Không những vậy, có nơi một số người dân còn thiếu “hợp tác” với địa phương để chung tay xây dựng hạ tầng NTM... Những hạn chế như đã nêu không phải là quá khó để khắc phục. Thiết nghĩ, vấn đề cơ bản là chính quyền và các đoàn thể địa phương cần “dân vận khéo thì việc gì cũng thành" như Bác Hồ đã dạy.