Ninh Thuận: Xây dưng Nông thôn mới- những vấn đề rút ra từ chỉ đạo xây dựng xã điểm.

(NTO) Theo lộ trình, giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta phấn đấu xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) ở 11 xã; trong đó, chọn 3 xã Phước Thái, Nhơn Sơn, Xuân Hải để chỉ đạo điểm cấp tỉnh và 8 xã còn lại chỉ đạo điểm cấp huyện.

Qua quá trình triển khai thực hiện, một số vấn đề cần quan tâm trong chỉ đạo điểm xây dựng xã NTM:

Một là, tiến hành xây dựng NTM trên địa bàn xã, trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM... để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân hiểu rõ. Đây là chương trình phát triển kinh tế-xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nông thôn, không phải là một dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Xây dựng NTM phải do cộng đồng dân cư làm chủ, người dân phải là chủ thể; huy động nội lực là chính với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước thì công cuộc xây dựng NTM mới thành công và bền vững.

 
Hệ thống kênh cấp II đồng ruộng Lương Tri (xã Nhơn Sơn) được kiên cố từ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ảnh: Sơn Ngọc

Hai là, phải coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở. Giai đoạn đầu bước vào thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến xã đều lúng túng vì chưa được trang bị kiến thức về xây dựng NTM. Sau quá trình triển khai, họ đều thấy cần phải được trang bị những kiến thức cơ bản về xây dựng NTM như: nội dung, trình tự các bước tiến hành, vai trò chủ thể và cách thức để người dân thực sự đóng vai trò chủ thể; phương pháp xây dựng đề án; phương pháp xây dựng và quản lý quy hoạch; cơ chế huy động nguồn lực, quản lý tài chính, quản lý xây dựng cơ bản trên địa bàn xã; thủ tục thanh quyết toán... Do đó, ngay khi bắt tay vào xây dựng NTM cần khẩn trương tập huấn, bồi dưỡng thật kỹ những nội dung trên cho đội ngũ cán bộ vận hành chương trình từ tỉnh đến huyện, xã, nhất là cán bộ cơ sở.

Ba là, xây dựng NTM cấp xã phải có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, tránh rập khuôn, máy móc. Trong xây dựng đề án và chỉ đạo thực hiện, mỗi địa phương phải căn cứ vào đặc điểm, lợi thế và nhu cầu thiết thực của người dân để lựa chọn nội dung nào làm trước, nội dung nào làm sau; tiêu chí nào gần đạt phải tập trung nguồn lực để đạt tiêu chí đó. Có lộ trình cụ thể từng năm cho từng tiêu chí, mức độ đến đâu phải phù hợp với nguồn lực và mục tiêu phấn đấu; các tiêu chí không cần đầu tư vốn như vệ sinh môi trường, cải tạo vườn tạp, chỉnh tranh nhà ở… thường xuyên vận động người dân thực hiện. Phải tạo điều kiện để mỗi địa phương tự chủ trong xác định nhu cầu thiết thực và việc phân bổ nguồn lực cũng tập trung ưu tiên hơn cho các nhu cầu thiết thực này.

Bốn là, đa dạng hoá việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM: Nhiệm vụ xây dựng NTM cần kinh phí lớn, trong khi đó các nguồn kinh phí chưa đáp ứng, cần có sự kết hợp hài hòa, huy động các nguồn lực. Nhà nước cần ưu tiên đầu tư kinh phí cho NTM trong một thời gian dài. Cơ cấu các nguồn vốn cần bố trí cân đối, hợp lý, nhất là việc đầu tư cho quy hoạch, xây dựng hạ tầng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập cho người lao động, thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch. Việc huy động nguồn lực trong dân theo nhiều hình thức: Đóng góp trực tiếp bằng công sức, tiền của vào các công trình cộng đồng, cải tạo nâng cấp nhà ở, công trình vệ sinh, cải tạo vườn, ao….

Năm là, để xây dựng NTM, cần có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. BCĐ xây dựng NTM các cấp từ tỉnh, huyện, xã đều phải xây dựng chương trình và quy chế làm việc, phải phân công mỗi cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm một loại công việc và địa bàn cụ thể; tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, tôn vinh những tập thể, cá nhân có đóng góp xây dựng NTM để kịp thời khen thưởng, động viên. BCĐ phải thường xuyên kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ đã giao đối với từng thành viên và các tổ chức đoàn thể.

BCĐ tỉnh đang chuẩn bị sơ kết thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU, ngày 24-5-2011, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng NTM đến năm 2020”. Những bài học trong chỉ đạo điểm cần được rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các xã trên địa bàn tỉnh.