Khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới

(NTO) Xác định phát triển hệ thống thủy lợi là biện pháp hàng đầu, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh ta đã đầu tư hàng chục công trình thủy lợi lớn nhỏ. Nhờ đó, ngoài việc giải quyết triệt để vấn đề khô hạn trong sản xuất nông nghiệp, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh ta còn đảm bảo việc cắt lũ, điều hòa dòng chảy để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương rất hiệu quả.

Từ năm 1964 trên địa bàn tỉnh ta luôn được bổ sung nguồn nước từ hệ thống Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, song do nguồn nước không ổn định, nên cả một thời gian dài, nhiều địa phương trong tỉnh như: Bác Ái, Thuận Bắc... dù diện tích đất đai rộng lớn nhưng đa số đều phải bỏ hoang, đời sống người dân từ đó cũng hết sức khó khăn. Hiểu rõ vấn đề này, từ năm 2000 trở lại đây, thông qua nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã đầu tư xây dựng 23 hồ thủy lợi, trong đó có 20 hồ đã đưa vào khai thác sử dụng, với tổng dung tích chứa trên 190 triệu m3 nước, đảm bảo đủ tưới cho 16.437 ha đất canh tác nông nghiệp từ 2-3 vụ/năm.

Hệ thống thủy lợi hồ Sông Trâu, dung tích chứa gần 32 triệu m3,
đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho 3.000 ha đất sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân
các xã: Lợi Hải, Công Hải, Bắc Sơn và Bắc Phong của huyện Thuận Bắc.

Đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NT&PTNT) cho biết: Ngoài các công trình lớn như: Hồ Sông Sắt dung tích chứa gần 70 triệu m3, hồ Sông Trâu gần 32 triệu m3, hồ Tân Giang dung tích chứa trên 13 triệu m3 đã đưa vào sử dụng hiệu quả lâu nay, mới đây tỉnh ta còn tiếp nhận quản lý thêm 4 hồ tương đối lớn, gồm: Sông Biêu, Lanh Ra, Phước Trung và Bà Râu, với tổng dung tích chứa trên 40 triệu m3 nước. Tỉnh ta còn có trên 60 hệ thống đập dâng lớn nhỏ (trong đó có 3 hệ thống đập dâng lớn, gồm: Nha Trinh, Lâm Cấm và Sông Pha), với tổng dung tích theo thiết kế tưới cho 18.500 ha. Nhờ đó, diện tích gieo trồng của tỉnh ngày một tăng cao, đáp ứng yêu cầu Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay của tỉnh.

Nhờ hệ thống thủy lợi ngày được đầu tư mở rộng, nên đến nay tỉnh ta đã cơ bản giải quyết được bài toán khô hạn một cách triệt để. Những dòng nước mát từ các công trình thủy lợi đã làm thay đổi diện mạo của các vùng quê trong tỉnh. Đơn cử như ở huyện miền núi Bác Ái, trước đây đa số bà con chỉ trồng độc canh cây bắp để giải quyết cái ăn trước mắt, thì từ năm 2004 trở lại đây được Nhà nước đầu tư trên 350 tỷ đồng xây dựng công trình hồ thủy lợi Sông Sắt, dung tích chứa gần 70 triệu m3 nước, phục vụ tưới tiêu và nước sinh cho nhân dân các xã: Phước Đại, Phước Tiến, Phước Chính, Phước Thắng... thì đời sống của người dân địa phương đã đổi thay rất nhiều. Hàng trăm ha đất bỏ hoang trước đây giờ đã được bà con cải tạo thành đồng ruộng trồng lúa nước ít nhất 2 vụ/ năm. Nhờ đó, đến nay diện tích gieo trồng hàng năm của huyện Bác Ái đã tăng lên hơn 10.000 ha, trong đó có 5.200 ha chủ động nước. Đặc biệt, việc xây dựng các công trình thủy lợi trên địa bàn Bác Ái còn tạo điều kiện để bà con dân tộc Raglai nơi đây thay đổi tập quán canh tác, mở rộng diện tích trồng cây lúa nước, góp phần chủ động được nguồn lương thực tại chỗ. Đồng chí Nguyễn Dâng Tuyển, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết: Trước đây bà con không chỉ khổ vì thiếu nước mà hàng năm còn phải luôn đối mặt với tình trạng mùa mưa thì bị lũ đổ về, mùa nắng thì đồng ruộng khô hạn kéo dài. Nhưng từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Sông Trâu, trung bình mỗi năm nhân dân đã gieo trồng được trên 10.300 ha cây trồng các loại, sản lượng lương thực ước đạt trên 30.000 tấn. Đặc biệt, tới đây khi công trình hồ thủy lợi Bà Râu, có dung tích chứa gần 5.000 m3 hoàn thành thì chắc chắn diện tích gieo trồng của huyện sẽ còn tăng thêm nhiều.

Để góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện tại, ngoài việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản, giai đoạn 2011-2020, Sở NN&PTNT cũng đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi của tỉnh đến năm 2020. Theo đó, tiếp tục đầu tư xây dựng để hoàn chỉnh 3 hệ thống thủy lợi đang thi công, sau năm 2015 ngành Nông nghiệp sẽ đầu tư xây dựng mới thêm 5 công trình hồ chứa nước nằm trên địa bàn các huyện: Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Bắc, với năng lực tưới thiết kế 9.676 ha. Cùng với đó, ngành sẽ thực hiện tu sửa, nâng cấp 10 hồ, đập thủy lợi nhỏ trên địa bàn một số huyện, thành phố; sửa chữa, nâng cấp 8 công trình tiêu nước (tổng chiều dài 40.990 m) và sửa chữa, nâng cấp 5 công trình phòng chống lũ ở các vùng Đầm Vua, Đông Hải, Cà Ná... phấn đấu đến năm 2020 đưa tổng năng lực tưới thiết kế lên 47.703 ha, tăng 13.975 ha so với năm 2015. Đồng chí Nguyễn Đức Thu cho biết thêm: Trong các dự án kể trên, đáng lưu ý nhất là công trình thủy lợi Sông Cái - Tân Mỹ đã được khởi công từ năm 2010. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh ta hiện nay, với tổng dung tích chứa trên 243 triệu m3 nước. Dự kiến đến năm 2020 khi đưa vào sử dụng, cùng với việc sẽ tích nước tưới trực tiếp cho 600 ha xung quanh hồ Sông Cái và tiếp nước cho đập dâng Tân Mỹ để dẫn tưới cho 3.700ha, hệ thống thủy lợi này còn có nhiệm vụ cắt lũ để giảm ngập úng cho vùng hạ lưu.

Nhờ chính sách đầu tư cho thủy lợi đúng mục tiêu, có trọng điểm đến nay các hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh ta đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển, là cánh cửa quan trọng để tỉnh ta tiếp tục thực hiện mục tiêu CNH, HĐH theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả nhất.