Động lực xây dựng nông thôn mới ở Hoà Sơn

(NTO) Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn) là xã miền núi có tổng diện tích tự nhiên trên 6.575 ha, trong đó ngoài gần 1.000 ha diện tích đất canh tác, còn lại là rừng với chủ yếu là đất gò đồi. Dân số toàn xã có khoảng gần 4.000 người cư trú tại 6 thôn, gồm 5 thôn người Kinh và 1 thôn người Raglai. Do đặc điểm xã thuần nông nên nông dân là lực lượng đông đảo nhất, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ở Hoà Sơn.

Về đây vào những ngày đầu tháng 7, đi trên con đường tráng nhựa phẳng lì dài 5 km tính từ quốc lộ 27 vào trung tâm xã, tôi nhận ra vùng nông thôn Hoà Sơn đang đổi mới từng ngày. Là địa phương được chọn làm điểm khởi động của tỉnh thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới (NTM), trong những ngày tới Hoà Sơn sẽ trở thành một công trường sôi động với sự kiện huy động sức dân vì lợi ích cộng đồng.

Một góc Hoà Sơn mới nhìn tư cầu Sông Than và nhà máy nước sinh hoạt phục vụ hơn 1.000 hộ dân

Đồng chí Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết: “Hưởng ứng việc làm đường, người dân đã sẵn sàng hiến bớt đất hoặc phá bỏ tài sản trên đất để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc thi công”. Theo kế hoạch, sau khi nhận bàn giao 300 bao xi-măng từ tỉnh, Hoà Sơn sẽ triển khai thi công bê-tông đường giao thông NT thôn Tân Hiệp có chiều dài 261 m và chiều rộng 3,5 m. Dù đất đai còn trống nhiều, dễ mở rộng đường song ở thôn Tân Hiệp, có những đoạn qua khu dân cư vẫn đụng phải đất riêng gia đình. Thế nhưng khi chính quyền địa phương vừa đề cập, người dân đã sẵn sàng hiến đất không một chút thắc mắc, đòi hỏi. Điển hình ông Nguyễn Văn Hùng đã tự nguyện phá nền sân xi măng rộng gần 100 m2, ông Phan Thanh Hùng đốn hạ tận gốc 4 cây me lớn gần đường và có 3 hộ trồng me khác cũng theo gương chặt bỏ gốc của nhiều cây me cao lớn tốt tươi và tháo dỡ hàng rào vào trong.

Thực ra dù mới đạt 7 tiêu chí về xây dựng NTM, nhưng Hòa Sơn hôm nay đã cho thấy một hình ảnh khác xa mấy năm về trước, trong 6 thôn đã có 63% đường nội thôn được bê-tông hóa với chiều dài hơn 5,2 km. Công trình nước sinh hoạt Hòa Sơn được nhà nước đầu tư mở rộng với công suất thừa sức phục vụ cho 1.000 hộ dân cả xã theo mức giá ưu đãi. Hầu hết các hộ dân trong xã đều sử dụng điện lưới quốc gia và có nhà xây khang trang. Anh Nguyễn Văn Thành ở thôn Tân Hiệp chia sẻ: “Người dân Hoà Sơn bây giờ có điện, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt chứ không còn như trước nữa”. Trong năm vừa qua, Hòa Sơn đã giảm được 3% tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới, vượt chỉ tiêu giảm nghèo mà nghị quyết HĐND xã đề ra. Có nhiều chuyện kể về sự vượt khó vươn lên của những người nông dân nơi đây, thường là gắn liền với màu xanh bạt ngàn của khoai mì và mía. Tuy nhiên không chỉ có loại cây trồng này, để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân, Hoà Sơn còn có thế mạnh về chăn nuôi bò, đặc biệt là nuôi bò dưới tán rừng. Năm 2011, từ nguồn vốn NTM, UBND xã đã mua 25 con bò nái sinh sản hỗ trợ cho 25 hộ nghèo, đến nay sau nhiều lần chuyển nuôi đàn bò đã tăng lên 45 con với 45 hộ nuôi. Phát huy hiệu quả từ mô hình trên, Hoà Sơn đã vận động 30 hộ nuôi bò vỗ béo đem lại thu nhập kinh tế cao, cải thiện rõ đời sống.

Thanh niên tình nguyện góp sức xây dựng nông thôn mới xã Hòa Sơn

Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, Hoà Sơn sẽ tiếp tục tiến hành kiên cố hoá kênh mương và đường giao thông, trong đó tập trung chủ yếu cho đường giao thông nội đồng và giao thông NT. Trước mắt với công trình làm đường kiên cố NT thôn Tân Hiệp, Hoà Sơn đang tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị, nhất là việc sắp xếp, bố trí các bãi chứa vật tư. Ngoài xi măng và các khoản kinh phí hỗ trợ của tỉnh, Hoà Sơn chủ yếu huy động sức dân (đóng góp tiền của hoặc công lao động) và sự hỗ trợ của doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Ninh Sơn. Theo đồng chí Nguyễn Văn Phi, đến nay đã có một doanh nghiệp hỗ trợ miễn phí công tác khảo sát thiết kế, một đơn vị giao thông giúp cho việc san ủi mặt bằng và một doanh nghiệp hỗ trợ 10% chi phí mua sạn. Xã đang tiếp tục vận động các doanh nghiệp khác hỗ trợ cát. Vì đây là cách triển khai hoàn toàn mới, nên Hoà Sơn xác định vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nếu mọi việc suôn sẻ, sẽ là tiền đề quan trọng cho việc hoàn thành xây dựng các công trình tiếp theo.

Nhận xét về khí thế hào hứng của cán bộ và nhân dân Hoà Sơn trước ngày chính thức ra quân xây dựng NTM, đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn nói: “Tập trung xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất là nhằm tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Nhưng cái hay của Hoà Sơn là còn tạo ra động lực từ phía người dân nhờ cấp uỷ, chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, vận động”. Từ Hoà Sơn, có thể rút ra kinh nghiệm quý báu là nơi nào cấp uỷ, chính quyền nỗ lực làm công tác tuyên truyền vận động xây dựng NTM, nơi ấy sẽ có sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân.