Về thôn Mỹ Nhơn vào một ngày đầu tháng 8, hai bên con đường vừa mới đổ bê-tông dài chừng 2 km từ Quốc lộ 1A vào thôn, mênh mông đồng lúa vụ hè-thu đang làm đòng. Thôn quê thanh bình với những con đường phẳng phiu, sạch sẽ.
Tuyến kênh dẫn nước thuộc Trạm bơm Mỹ Nhơn được xây dựng trên một số diện tích đất
do nhân dân tại địa phương hiến, phục vụ nước tưới cho 230 ha đất nông nghiệp.
Hôm chúng tôi đến, cán bộ thôn và các đồng chí lãnh đạo UBND xã đang tất bật chuẩn bị bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công tuyến kênh mương nội đồng. Tiếp chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã không giấu được niềm vui: “Mỹ Nhơn kinh tế khá hơn so với các thôn khác trong xã. Tuy nhiên, đối chiếu với 19 tiêu chí NTM, thì ở địa phương còn rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi đang lo không biết lấy đâu ra đất để thực hiện chương trình xây dựng NTM, thì nhận được tin vui là sau một thời gian chần chừ bà con đã tự nguyện hiến đất mở tuyến mương mới”.
“Hai lúa” và tấm lòng cao cả
Để minh chứng cho lời nói của mình, đồng chí Chủ tịch UBND xã cử người dẫn tôi đến gặp ông Trần Phương. Thật bất ngờ, ở cánh đồng Suối Đế nằm về phía Tây của thôn quanh năm khô hạn mà trang trại của ông rộng 4 ha vẫn có nước để trồng lúa, cỏ, rau muống nuôi bò, heo với tổng đàn vài ba chục con. Dẫn khách đi tham quan trang trại, ông Phương cho biết: Tuyến mương thuộc Trạm bơm Mỹ Nhơn sắp xây dựng sẽ đi qua trang trại của tôi, chiếm phần đất gần 1,5 sào. Lúc đầu cán bộ thôn, xã đến vận động hiến đất, tôi rất phân vân vì người nông dân phải gắn với đất. Nếu Nhà nước thu hồi, đòi hỏi bồi thường từng đó đất ít ra cũng được 100 triệu đồng. Nhưng rồi nghĩ, hàng trăm hộ dân trong thôn mình đang thiếu nước sản xuất, mình không thể cứ ôm khư khư được”.
Những hộ kinh tế khá như ông Phương chịu thiệt thòi một ít cũng không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, nhưng hộ nghèo như anh Phạm Ngọc mà hiến gần 1 sào đất khiến ai cũng cảm phục. Tiếp khách trong ngôi nhà đơn sơ, anh Ngọc kể cho tôi nghe chuyện mưu sinh đầy gian khó của mình. Từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, năm 1985 ra quân về quê xây dựng gia đình. Anh cũng chăm chỉ lao động như bao người dân thôn Mỹ Nhơn khác, sở hữu khu rẫy rộng 1 ha, nhưng do thiếu nước nên trồng cây gì cũng thất thu. Cái nghèo, cái khó cứ thế đeo bám gia đình anh mãi. Biết hoàn cảnh ngặt nghèo, nên các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương không dám đến nhà anh vận động hiến đất. Thế nhưng khi đoàn khảo sát về cắm cọc xây mương lấn ra lề đường, vợ anh Ngọc vui vẻ: “Các anh cứ xây mương chạy thẳng vào rẫy nhà tôi để đường sá rộng rãi, bà con đi lại cho thuận tiện”. Ngoài ông Phương, anh Ngọc, ở thôn còn có nhiều tấm gương điển hình khác như hộ anh Nguyễn Văn Lại hiến 1,2 sào, Nguyễn Văn Ngon hiến 500m2… Những “hai lúa” quanh năm suốt tháng lam lũ với đồng ruộng nhưng vẫn hiểu được “cái mất” là ít, “cái được” mới là lớn. Khi nước về ruộng, với bản tính siêng năng, cần cù lao động chắc chắn họ sẽ làm giàu được chính trên mảnh đất của mình.
Từ cách làm hay
Bây giờ chuyện xây dựng kênh mương nội đồng phục vụ nước sản xuất cho 230 ha đất ở cánh đồng Suối Đế và Suối Chinh của thôn Mỹ Nhơn chỉ còn là thời gian. Nhưng để được 26 hộ tự nguyện hiến hơn 2 ha đất xây dựng kênh mương nội đồng, trước đó Đảng ủy, chính quyền, UBMTTQ xã Bắc Phong đã phải tổ chức cả chục cuộc họp dân. Đồng chí Phạm Thận, Phó Chủ tịch UBMTTQ xã cho biết: Buổi họp dân đầu tiên bàn về xây dựng trạm bơm, xã nêu ra những khó khăn do ngân sách hạn hẹp không đủ tiền bồi thường đất cho dân, nhiều người xầm xì vào ra. Cuối cùng xã đưa ra sáng kiến là thành lập Tổ dân vận thôn đến từng hộ gia đình vận động. Trong đó đề cao tính tiên phong gương mẫu của các vị cao niên, đảng viên. Những tấm gương điển hình như ông Phương, anh Ngọc… được đưa ra biểu dương trước dân để bà con noi theo. Phong trào hiến đất vì thế dần dần lan rộng ra toàn thôn.
Trao đổi với chúng tôi về yếu tố dẫn đến thành công, đồng chí Phạm Thận cho biết: “Vấn đề mấu chốt là phải biết cách giải thích cho dân hiểu được những chủ trương, việc làm của Đảng, của Nhà nước mà mục đích cuối cùng là đưa lại lợi ích cho nhân dân chứ không phải ai khác, từ đó họ thấy được trách nhiệm của mình với cộng đồng thôn, xóm”. Ghi nhận kết quả to lớn trong công tác vận động quần chúng nhân dân của địa phương, đồng chí Trần Minh Lực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá cao sự đoàn kết, đồng thuận giữa cán bộ với người dân. Kết quả đạt được trên con đường xây dựng NTM ở thôn Mỹ Nhơn cần nhân rộng để các địa phương khác học tập làm theo.
Tuấn Anh