Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xây dựng nông thôn mới chính là một cuộc cách mạng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, giúp người dân nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi nhằm chủ động tham gia, tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Tân Thông Hội (Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh)
có nhiều chuyển biến, không chỉ diện mạo thôn xóm mà cả trong nhận thức của người dân.
Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới các xã cho rằng khó khăn nhất là khâu lập quy hoạch. Đây là nội dung quan trọng, tác động nhiều đến kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới, vì một khi quy hoạch sai sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Do đó, các xã nông thôn mới đều cố gắng hoàn thành thật tốt công tác quy hoạch. Tuy nhiên, để quy hoạch có hiệu quả thì đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện.
Quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới bao gồm nhiều bước như quy hoạch sử dụng đất ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội – môi trường ; phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có v.v. và nhất là quy hoạch các xã nông thôn mới phải gắn với quy hoạch của huyện, gắn với quy hoạch tổng thể của thành phố. Do vậy, cần tiến hành lập quy hoạch một cách cẩn thận, không thể tùy tiện áp dụng quy hoạch mà chưa đi khảo sát, nắm rõ tình hình thực tế ở từng địa phương. Ví dụ như quy hoạch xã Tân Thông Hội phải khác với quy hoạch xã Tân Nhựt, vì mỗi xã đều có đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội khác nhau. Để tránh quy hoạch không phù hợp, làm chậm tiến độ thực hiện chương trình nông thôn mới thì điều tiên quyết là các đơn vị tư vấn phải tìm hiểu kỹ điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Ông Nguyễn Tấn Tuyến, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh khẳng định: “Cái hay của nông thôn mới là gắn quy hoạch với truyền thống của địa phương. Truyền thống của địa phương mình thì dân cư thường ở riêng lẻ, sống dọc theo các dòng sông, điều kiện đi lại khó khăn nhưng qua việc thực hiện này sẽ phát triển các khu dân cư nông thôn dọc theo các tuyến đường mình mở ra, điều đó thì đầu tư cơ sở hạ tầng cũng dễ mà quản lý dân cư cũng thuận lợi hơn”.
Để công tác quy hoạch có hiệu quả, ban quản lý xây dựng nông thôn mới các xã phải tham gia vào quá trình thực hiện quy hoạch, chủ động thảo luận với các đơn vị tư vấn để tìm ra phương án quy hoạch tốt nhất. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là quy hoạch của xã phải gắn kết với quy hoạch của huyện, phù hợp với tầm nhìn của thành phố và khu vực đến năm 2020. Trước khi lập quy hoạch, các xã cần tham khảo với Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố, ngược lại cơ quan này phải có trách nhiệm giúp cho các xã nông thôn mới lập quy hoạch dựa theo tầm nhìn của thành phố đối với huyện, với xã, xem đó là định hướng để quy hoạch. Bà Nguyễn Thị Đức, Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi khẳng định: “Hiện nay làm nông thôn mới do xã làm rất thuận lợi. Xã sẽ bố trí xây dựng theo quy hoạch môt cách phù hợp với mục đích của địa phương, nhưng vẫn đảm bảo không xa rời quy hoạch chung của huyện và của thành phố".
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của người dân trong việc hoàn thành công tác quy hoạch. Vì quy hoạch ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân nên người dân cần được phổ biến các thông tin về quy hoạch, như quy hoạch ở đâu, quy hoạch như thế nào … Ở một số nơi, chính quyền đã thực hiện việc phát phiếu khảo sát đến từng hộ dân để lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân. Tuy nhiên, không phải tất cả người dân đều hiểu rõ về việc quy hoạch. Như ông Nguyễn Văn Bàn, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ cho biết: “Vấn đề quy hoạch, bản thân người dân như chúng tôi cũng chưa rõ lắm. Cán bộ chắc có biết chứ tôi thì chưa được phổ biến triển khai rộng rãi lắm. Tôi cũng nghe thông tin trên đài chung chung rằng có quy hoạch cầu đường, làm chợ, trường trạm...thì có nghe”.
Do đó, việc thông báo cho người dân về chủ trương xây dựng nông thôn mới và các dự án quy hoạch là để người dân hiểu rõ lợi ích cũng như mục tiêu của dự án. Nếu được đa số người dân đồng thuận, ủng hộ quy hoạch thì sẽ góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng xã nông thôn mới nhanh hơn. Về tầm quan trọng của công tác quy hoạch, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho rằng thông qua việc quy hoạch có thể đánh giá năng lực quản lý của chính quyền xã: “Công cụ để quản lý thể hiện ra nội hàm lãnh đạo của cấp ủy, của Đảng bộ xã là quy hoạch. Quy hoạch là cụ thể hóa ý tưởng và hướng phát triển của chúng ta, có đầu tư công của nhà nước, có điều kiện để dân làm, dân canh tác, dân sản xuất, dân trồng trọt, dân sinh sống, dân hưởng lợi và có doanh nghiệp đầu tư”.
Làm sao để quy hoạch có tính khả thi, không phải là chuyện dễ dàng. Ông Lê Huy Ngọ, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thành viên Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương nêu lên một số gợi ý như “Đảng ủy, chính quyền phải là người tìm ra, phải đưa ra tư tưởng quy hoạch, ý định quy hoạch, phương hướng quy hoạch đối với cuộc sống xã hội của người dân ở đia phương mình; người dân phải được tham gia vào quy hoạch ngay từ đầu cho đến khi kết thúc quá trình này bỡi vì đó là cuộc sống của họ”.
Hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới phụ thuộc rất nhiều vào công tác quy hoạch. Nếu quy hoạch không hợp lý, khi thực hiện, sẽ gây khó khăn cho người dân và cả chính quyền. Vì vậy, quy hoạch phải luôn đi trước một bước, tạo tiền đề để xây dựng thành công xã nông thôn mới.
Nguồn Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh