Ninh Hải tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(NTO) Nhờ lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn được phân bổ thông qua các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương của tỉnh đã giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Ninh Hải phát triển toàn diện, đời sống ngày càng ổn định.

Toàn huyện hiện có 2.041 hộ đồng bào DTTS, chiếm 8,32%; trong đó, người Chăm sống tập trung tại các thôn An Nhơn, Phước Nhơn 1, 2 ,3 (xã Xuân Hải) và đồng bào Raglai ở hai thôn đặc biệt khó khăn: Cầu Gãy, Đá Hang (xã Vĩnh Hải) cùng một số ít DTTS khác như Hoa, Tày, Ê đê, Khơ me sống rải rác tại các xã. Xác định phát triển kinh tế là mục tiêu mũi nhọn giúp người dân cũng như bà con vùng DTTS vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động người dân đổi mới cách làm kinh tế; thường xuyên tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả trong sản xuất. Đặc biệt, cùng với sự hỗ trợ và những chính sách đặc thù của Nhà nước dành cho đồng bào DTTS, đời sống của bà con trong những năm trở lại đây đã có những chuyển biến đáng kể. Cụ thể đối với hai thôn Cầu Gãy, Đá Hang (xã Vĩnh Hải), từ Chương trình 135 (giai đoạn II), huyện đã hỗ trợ 240 triệu đồng xây dựng hệ thống kênh mương lấy nước tự chảy phục vụ trồng 12 ha lúa; cấp trên 1.390 giống cây dừa, mít ruột đỏ, mãng cầu, chanh không hạt, 10 con bò sinh sản cho 162 hộ. Dự án Tam nông (giai đoạn 2013-2014) hỗ trợ 6 con dê, 18 con heo đen, 400 con gà cho 70 hộ. Đối với các hộ không có đất sản xuất ở xã Xuân Hải, thực hiện theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 49 hộ để chuyển sang chăn nuôi, với số tiền 420 triệu đồng. Ngoài ra, bà con DTTS được Nhà nước hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt theo định mức 1,3 triệu đồng/hộ; mỗi năm có hàng trăm hộ được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Phụ nữ thôn Cầu Gãy (xã Vĩnh Hải) làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng.

Đến vùng đồng bào Chăm ở xã Xuân Hải trong những ngày giữa tháng tư, chúng tôi cảm nhận tinh thần hăng say lao động, phấn khởi của bà con nơi đây. Nhờ được Nhà nước đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, áp dụng thành công việc trồng lúa trên 390 ha theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, đạt năng suất 8 tấn/ha; đẩy mạnh chăn nuôi các loại gia súc có sừng như bò, dê, cừu theo hướng trang trại, với số lượng trên 5.000 con. Đặc biệt nghề bán thuốc nam gia truyền mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần ổn định kinh tế, hộ nghèo hiện nay còn 78 hộ/1.887 hộ (chiếm tỷ lệ 5,36% hộ nghèo của huyện). Ở các thôn Cầu Gãy, Đá Hang (xã Vĩnh Hải) từ việc định hướng thiết thực, chương trình hỗ trợ, giúp bà con thay đổi nhận thức, biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện địa phương. Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã nhìn nhận: Các chính sách dân tộc được triển khai kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con DTTS trên địa bàn cải thiện đáng kể đời sống. Hằng năm, có trên 90% số hộ được nhận ưu đãi từ các nguồn hỗ trợ khác nhau từ cấp trên. Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được duy trì và nhân rộng như trồng cây dừa, mít, chanh; mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu sinh sản. Ngoài ra, người dân còn có thêm thu nhập từ việc nhận rừng khoán quản, làm thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng; nhiều gia đình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trồng trọt, chăn nuôi vươn lên thoát nghèo như: Cao Văn Truyền, Tạ Yên Giảm (thôn Cầu Gãy); Mấu Văn Trùng, Mang Ngọc (thôn Đá Hang)…

Ngoài việc tập trung giúp cho đồng bào phát triển kinh tế, huyện còn tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế... góp phần nâng cao mức hưởng thụ của người dân. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ về nhà ở, dịch vụ chăm sóc y tế, trợ cấp cho học sinh nghèo đến trường, trợ giúp pháp lý nâng cao hiểu biết pháp luật cho bà con DTTS cũng được huyện quan tâm, chú trọng.

Nhằm nâng cao hơn nữa đời sống của đồng bào DTTS trong thời gian tới, theo bà Lê Thị Thúy Hòa, Phó Phòng Dân tộc huyện Ninh Hải, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn phân bổ, địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp theo đặc thù, lợi thế ở mỗi vùng; tăng cường công tác đào tạo nghề, tập huấn khoa học-kỹ thuật, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả… Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS đạt khoảng 2% mỗi năm.