Chị Lượng Thị Nụ vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả

(NTO) Theo lời giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ (PN) huyện Thuận Bắc, chúng tôi về thôn Bỉnh Nghĩa (xã Bắc Sơn, Thuận Bắc) tìm gặp chị Lượng Thị Nụ, một PN Chăm điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ vốn vay ngân hàng, nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm, chị đã tạo dựng được cơ ngơi hôm nay với ngôi nhà khang trang, khoảng sân rộng 100 m2 phơi lúa và nhà kho chứa rơm làm thức ăn chăn nuôi.

Năm 2002, khi ấy còn thuộc xã Phương Hải (Ninh Hải), thôn Bỉnh Nghĩa bắt đầu thành lập Tổ PN vay vốn tiết kiệm gồm 10 thành viên là các PN nghèo, do chị Lượng Thị Nụ làm tổ trưởng. Thông qua tổ, bình quân mỗi thành viên được vay 2 triệu đồng, hằng tháng phải trả lãi và gốc. Để sử dụng vốn vay hiệu quả, chị Nụ gợi ý cho các thành viên mua bò nuôi sinh sản, sau 2 năm trả nợ xong ngân hàng, còn lại vốn là bò nuôi đã đẻ hoặc cấn chửa. Là thành viên trong tổ, chị Nụ cũng vay vốn nhưng không mua bò nuôi như mọi người mà lại mua lúa giống, phân, thuốc để đầu tư cho ruộng lúa. Sau khi trả hết số tiền vay, chị Nụ bắt đầu có vốn để tích lũy. Đầu tháng 10-2005, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) được thành lập, Tổ PN vay vốn tiết kiệm thôn Bỉnh Nghĩa tiếp tục duy trì hoạt động, lần này có tất cả 30 thành viên đều là PN nghèo. Các chị được vay bình quân 7 triệu đồng/người, thời hạn trả trong 2 năm. Thời điểm ấy số tiền này có thể mua được 1 con bò, nếu hoàn thành trả nợ ngân hàng sẽ được tiếp tục vay 10 triệu đồng/người, trả trong 36 tháng. Trả đúng vốn lẫn lãi như cam kết, mỗi người được vay tiếp 30 triệu đồng và cứ tuần tự, hiện mức cho vay là 50 triệu đồng.

Chị Nụ chăm sóc ruộng lúa vụ đông - xuân.

Những năm ấy, với cương vị tổ trưởng, chị Nụ vừa phải giám sát việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, vừa phải đôn đốc chị em trong tổ trả nợ ngân hàng hằng tháng theo quy định. Có lúc việc thu hồi vốn, lãi khó khăn do những thành viên đi làm ăn xa, vắng mặt khỏi làng một thời gian, tuy vậy nhờ cách làm linh hoạt, chị vẫn duy trì ổn định hoạt động cũng như uy tín của tổ. Để nêu gương và động viên các thành viên trong tổ, bản thân chị sau nhiều lần vay vốn đầu tư làm ruộng và chăn nuôi đã thoát nghèo và hiện đang duy trì đàn bò gồm 7 con. Dù thoát nghèo, không dừng lại ở đó, chị vay tiếp 50 triệu đồng đầu tư sản xuất, kinh doanh, cụ thể là chị mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống để cung cấp cho nông dân sản xuất lúa ở địa phương. Qua nhiều năm phát triển sản xuất, kinh doanh, chị Nụ là một trong những hộ khá giả trong thôn. Bên cạnh việc mở rộng đầu tư cho nông dân, chị còn sắm 1 xe ba gác máy, 1 máy cày để vận chuyển và làm dịch vụ cày đất; ngoài ra chị còn trực tiếp canh tác 1 ha ruộng lúa. Hiện nay tổ PN vay vốn tiết kiệm thôn Bỉnh Nghĩa mở rộng quy mô hoạt động với 60 thành viên.

Cách đây một năm, tuy đã giao việc quản lý tổ vay vốn cho con gái tham gia làm tư vấn nhưng chị Nụ vẫn phụ giúp con gái trong việc giám sát sử dụng vốn và thu hồi vốn hằng tháng. Đơn cử có những trường hợp thành viên gặp khó khăn, không đóng vốn lãi đúng thời hạn, chị liền giúp ứng tiền nộp trước cho ngân hàng và tư vấn cho con gái thu hồi sau vào mùa thu hoạch nông sản. Có trường hợp gia đình thành viên gặp sự cố làm ăn thất bại, chị nhờ chính quyền và đoàn thể xã đến hỗ trợ xác nhận để ngân hàng khoanh nợ. Theo chị, dù những năm trước hạn hán đã gây thiệt hại cho sản xuất nhưng đã có 20% thành viên của tổ vay vốn tiết kiệm thôn Bỉnh Nghĩa thoát nghèo hiệu quả. Chị tin rằng nếu điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ có nhiều thành viên thoát nghèo bền vững.

Bà Nguyễn Võ Phương Dung, Chủ tịch Hội Liên hiệp PN huyện Thuận Bắc cho biết: Chị Nụ không chỉ năng động trong làm ăn và quản lý tổ vay vốn tiết kiệm, còn vận động 10 thành viên PN tham gia Hũ gạo tiết kiệm theo gương Bác, trong năm qua đã giúp 50 kg gạo cho các hội viên PN có hoàn cảnh khó khăn. Chị được chọn là tấm gương điển hình PN Chăm làm ăn khá giả cho các chị em ở Bỉnh Nghĩa noi theo.