Nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ các dự án nông nghiệp công nghệ cao

(NTO) Thời gian qua, với sự tập trung cao độ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện Nghị quyết số 05/NQ/TU ngày 10-10-2016 của Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã tạo đột phá mới cho phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh hình thành các mô hình sản xuất tiên tiến là dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên việc nhân rộng ra quy mô lớn đang gặp khó khăn do nông dân thiếu vốn, hạn chế trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trang trại trồng hoa lan trong nhà lưới ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) của anh Phan Thanh Sang được đánh giá có sự đầu tư đồng bộ các thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ sản xuất đưa đến thành công hơn cả mong đợi. Với quy mô 1 ha, chủ yếu là ươm cây con đưa lên tỉnh Lâm Đồng cho ra hoa bán ra thị trường trong cả nước mỗi năm anh Sang thu lãi khoảng 2 tỷ đồng. Triển vọng phát triển trồng các loại hoa lan có giá trị kinh tế cao nhằm giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho nông dân ở khu vực là rất lớn nhờ vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở xã Lâm Sơn thích hợp với loại hoa cao cấp này. Tuy vậy, đến nay huyện Ninh Sơn vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế để phát triển, chỉ mỗi doanh nghiệp mới có điệu kiện trồng lan, nông dân chưa “với tay” đến do chi phí đầu tư lớn. Để sản xuất 1 sào hoa lan, cần có khoảng 1 tỷ đồng xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới, cây giống… số tiền quá lớn không phải nông hộ nào cũng có. Trong chuyến đi khảo sát Trang trại hoa lan vừa qua, vấn đề đồng chí Bí thư Tỉnh ủy quan tâm là sớm chuyển giao kỹ thuật cho nông dân sản xuất, có như vậy mới đạt được mục đích của việc thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng là đưa lại lợi ích nhiều nhất cho nông dân. Trong điều kiện các nông hộ còn khó khăn, giải pháp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đưa ra để nhân rộng mô hình trồng hoa lan là vận động chủ trang trại hỗ trợ cây giống; đồng thời, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con. Tiếp thu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, huyện Ninh Sơn đang xây dựng phương án nhân rộng mô hình, bước đầu kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ 2.000 cây giống cung cấp cho 14 hộ có vườn cây ăn trái ở xã Lâm Sơn kết hợp trồng hoa lan phục vụ khách du lịch, sau đó phát triển rộng ra trên toàn xã.

Mô hình Vườn nho kết hợp du lịch ở xã Phước Thuận (Ninh Phước)
thu hút được nhiều du khách tham quan.

Qua thực tế tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định tỉnh ta có lợi thế phát triển các loại cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao. Không riêng gì hoa lan, các mô hình trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao ở xã An Hải; mô hình vườn nho kết hợp du lịch ở xã Phước Thuận (Ninh Phước) cũng cần sớm nhân rộng. Tháo gỡ khó khăn về nước tưới để mở rộng diện tích cây măng tây xanh theo kiến nghị của nông dân xã An Hải, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các bộ, ngành Trung ương thống nhất nguồn vốn, hoàn thiện thủ tục đầu tư, sớm triển khai xây dựng hệ thống tưới tiêu phục vụ canh tác các loại cây trồng tại vùng quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao quy mô 300 ha đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư. Những khó khăn về ngân hàng cho nông dân vay vốn ở mức thấp không đủ đầu tư trồng măng tây xanh do giá hạt giống cao (120 triệu đồng/ha), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo huyện Ninh Phước lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ bà con; đồng thời đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất theo hướng doanh nghiệp hỗ trợ giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân sản xuất.

Ghi nhận qua chuyến đi khảo sát thực tế, nhiều vấn đề vướng mắc để sản xuất nông nghiệp phát triển đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Dự án nghiên cứu triển khai và đầu tư áp dụng công nghệ xanh phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, ít phát thải khí nhà kính và Dự án Công nghệ cao Ninh Thuận Agritech đang triển khai tại xã Phước Tiến (Bác Ái) được coi là những “con chim đầu đàn” dẫn dắt ngành Nông nghiệp tỉnh nhà phát triển theo hướng bền vững tiến độ thi công nhanh là nhờ có sự vào cuộc của các cấp, ngành giải quyết những tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện. Làm việc với chủ đầu tư, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy quan tâm đến các hạng mục, nội dung hoạt động của dự án, đề xuất hướng trọng tâm vào công tác nghiên cứu, lai tạo các loại giống mới thích nghi với điều kiện khí hậu khô hạn chuyển giao cho nông dân sản xuất ở quy mô tập trung. Riêng khó khăn về nguồn nước tưới phục vụ sản xuất ở vùng dự án, đồng chí chỉ đạo huyện Bác Ái thành lập các tổ lấy nước cộng đồng, điều tiết nguồn nước hợp lý, tiết kiệm. Ông Lê Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ cao Ninh Thuận Agritech bày tỏ sự hài lòng khi đầu tư ở tỉnh ta luôn được các cấp, ngành quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi, những khó khăn, vướng mắc tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời, tạo niềm tin để doanh nghiệp an tâm làm ăn lâu dài, gắn bó với nông dân địa phương cùng hợp tác sản xuất theo phương châm đôi bên cùng có lợi.

Điều đồng chí Bí Thư tỉnh ủy quan tâm nữa trong đợt đi thực địa vừa qua, đó là, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thủy sản để đạt mục tiêu tiến tới xây dựng thương hiệu tôm giống Ninh Thuận chất lượng cao theo định hướng phát triển kinh tế biển của tỉnh. Giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Moana và Công ty TNHH Việt - Úc ở xã Phước Dinh (Thuận Nam) về mở rộng Dự án Nuôi tôm giống, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương rà soát lại quy hoạch vùng nuôi thủy sản, điều chỉnh các hạng mục phù hợp với tình hình sản xuất thực tế. Ghi nhận ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cam kết đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại cây, con chủ lục, ưu tiên sử dụng lao động địa phương, tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.