Bầu cử đại biểu QH và HĐND: Tập trung chuẩn bị công tác nhân sự

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, cần sớm có văn bản chính thức để hướng dẫn cụ thể về cuộc bầu cử sắp tới. Đồng thời, cần tập trung vào khâu mấu chốt nhất là công tác chuẩn bị nhân sự.

Ảnh: Chinhphu.vn

Chiều 10/2, dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử, các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung liên quan.

Sớm ban hành văn bản hướng dẫn

Nhiều đại biểu cho rằng, các hướng dẫn của Trung ương cần kịp thời, cụ thể để các địa phương căn cứ vào tình hình xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo cuộc bầu cử, bởi thời gian cho ba vòng hiệp thương còn rất ngắn.

Các đại biểu Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An), Nguyễn Hòa Bình (Quảng Ngãi) đề nghị cần sớm có hướng dẫn các tiêu chuẩn về độ tuổi, thành phần, cơ cấu, như đại biểu trẻ, đại biểu nữ, đại biểu ngoài Đảng… nhất là với các tỉnh có số lượng ít đại biểu như Quảng Ngãi để có sự chuẩn bị chu đáo công tác nhân sự.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua cho hay, nhiệm kỳ vừa qua, TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều người tham gia tự ứng cử, vì thế nên quan tâm đến ý kiến nơi cư trú cũng như các trường hợp người tự ứng cử ủy quyền cho người khác tham dự Hội nghị hiệp thương hoặc tiếp xúc cử tri nếu có lý do chính đáng như ốm đau hoặc công tác nước ngoài.

Về hướng dẫn ứng cử viên kê khai tài sản, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào cho biết, cần căn cứ chặt chẽ vào Thông tư số 2442 ngày 13/11/2007 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập.

Tiếp thu ý kiến và giải đáp những băn khoăn của các đại biểu, các ông Nguyễn Văn Quynh, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phạm Minh Tuyên cho hay, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp tâm huyết, quý báu của đại biểu để sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn sát với thực tế, yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng của cuộc bầu cử.

Không để người không đủ tiêu chuẩn vào cơ quan dân cử

Kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, kinh nghiệm của nhiều cuộc bầu cử trước đây cho thấy, các cơ quan phải nắm chắc các quy định của luật pháp, các hướng dẫn, quy chế, quy định cũng như nghiên cứu kỹ từ thực tiễn nhằm phát hiện những vấn đề chưa hợp lý để xây dựng các văn bản hướng dẫn phù hợp. Việc sớm có văn bản chính thức để hướng dẫn cụ thể là rất cần thiết.

Cuộc bầu cử lần này có đặc thù riêng, có điểm mới nên không tránh được những khó khăn cần rút kinh nghiệm. Do đó, các cơ quan ở Trung ương và địa phương cần thực sự cầu thị để hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn để thực hiện tốt cuộc bầu cử.

Đối với các địa phương, Tổng Bí thư cho rằng cần vận dụng, quán triệt nghiêm túc các văn bản của Trung ương, từ đó xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể vào đặc thù của địa phương.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, “tập trung vào công tác chuẩn bị nhân sự, đây là khâu mấu chốt nhất. Phải đảm bảo tiêu chuẩn và cơ cấu một cách hợp lý. Thực tế cho thấy, không nên quá chú trọng cơ cấu mà quên tiêu chuẩn, không để người không đủ tiêu chuẩn vào cơ quan dân cử”.

Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo tuyên truyền cho công tác bầu cử một cách thiết thực để cử tri hiểu rõ về cuộc bầu cử, xác định trách nhiệm của mình khi tham gia bầu cử.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nên có sự phối hợp, phân công cụ thể, chỉ đạo chặt chẽ, giao ban thường xuyên để giải quyết các vấn đề nảy sinh.

(Theo Chinhphu.vn)