Phước Ninh xây dựng vùng sản xuất cây trồng đặc thù

(NTO) Thời gian qua, xã Phước Ninh (Thuận Nam) đang từng bước xây dựng, chọn cây trồng đặc thù của địa phương. Cách làm này, cho thấy địa phương đang đi đúng với lộ trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Nông dân xã Phước Ninh thu hoạch hành lá.

Đồng chí Trịnh Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Phước Ninh, cho biết: Phước Ninh là một trong những địa phương luôn phải “gánh chịu” tác động của biến đổi khí hậu. Đợt hạn hán kéo dài từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2016 đã làm diện tích đất nông nghiệp không chủ động nước của địa phương phải ngưng sản xuất. Để biến những bất lợi về điều kiện khí hậu đã tạo ra, thời gian gần đây địa phương đã chọn những cây trồng đặc thù để phát triển phù hợp với vùng đất đang sản xuất. Trong đó, ngoài diện tích lúa 2 vụ chính (đông-xuân và hè-thu) hưởng lợi nguồn nước từ hồ Tân Giang, địa phương đã tuyên truyền, vận động nông dân nên duy trì diện tích cây trồng đang là chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế như: táo (28 ha), hành lá (25 ha), măng tây xanh (4 ha), ớt (50 ha)… Đây là những cây trồng thích nghi với điều kiện khô hạn và địa phương cũng xác định sẽ chọn những cây trồng này làm cơ sở trong thực hiện lộ trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu. Hiện nay, diện tích các loại cây trồng này đang được nông dân trồng dọc các kênh mương chủ động nguồn nước để tăng khả năng sống và phát triển.

Trong không khí những ngày đầu năm mới 2018, đến vùng cánh đồng Rừng Lớn, thuộc thôn Vụ Bổn, chúng tôi ghi nhận nông dân đang tất bật thu hoạch hành lá dọc kênh Chà Viên, hưởng lợi nguồn nước từ mương Kía. Ông Dương Tá Thành, trồng 2 sào hành lá, cho biết: “Cây hành lá chỉ cần trồng khoảng 40 ngày là cho thu hoạch. Hành lá đầu vụ giá bán rất cao, khoảng 15-16 ngàn đồng/kg, nhưng hiện giờ đã giảm xuống 6 ngàn đồng/kg. Thế nhưng, người trồng cũng thấy rất vui, vì đất không bị bỏ hoang như các mùa vụ trước.

Không chỉ có cây hành lá mang lại niềm vui cho nông dân, mà tại thôn Thiện Đức, mô hình trồng măng tây xanh sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, với quy mô 4 ha, cho sản lượng bình quân 15 tấn/ha/năm, bước đầu đã chứng minh được lợi thế tại vùng đất khô hạn của địa phương, có thể trồng những loại cây mang lại chuỗi giá trị kinh tế cao cho nông dân. Một tin vui cho nông dân, cũng là sự khởi sắc cho nông nghiệp của Phước Ninh khi huyện Thuận Nam xây dựng bản đồ phân vùng tưới trên địa bàn huyện, kiên cố hóa kênh mương nhằm giảm thất thoát nước với tổng chiều dài hơn 54,3 km, chạy qua địa phương.

Tuy nhiên chọn hướng đi phù hợp cho vùng sản xuất cây trồng đặc thù, Phước Ninh cũng gặp không ít khó khăn như: Chưa huy động được doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng các chuỗi giá trị cây trồng và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Còn nhiều vùng đất chưa chủ động nguồn nước tưới, nên mỗi khi vào mùa khô hạn ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân. Chi phí đầu tư sản xuất cho một số cây trồng như táo, măng tây xanh… rất cao, nên nông dân còn e ngại trong việc mở rộng diện tích cây trồng.

Đồng chí Trịnh Vinh Quang, chia sẻ: Để từng bước gỡ khó cho việc xây dựng, chọn cây trồng đặc thù của địa phương, UBND xã sẽ triển khai Quyết định 65/2017/QĐ-UBND ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020; tập trung thu hút, huy động mọi nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hướng đến các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông dân. Cùng với đó, cần liên kết với các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.