Năm 2017 trôi qua để lại nhiều dấu ấn nổi trội về kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể tỉnh (BCĐ) trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế sau khi chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới. Từ việc khai thông “bế tắc”, nhiều HTX đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo độ tin cậy để ngân hàng chuyển dòng vốn vào lĩnh vực kinh tế hợp tác. Liên tiếp 2 vụ liền trong năm 2017, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Chi nhánh huyện Ninh Phước cho HTX Phước An (xã Phước Vinh) vay tổng số tiền gần 2 tỷ đồng và cam kết tiếp tục “bơm vốn” để đơn vị triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất bắp giống ở vụ đông-xuân 2017-2018. Một số HTX đóng trên địa bàn huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc… cũng đã tiếp cận được vốn ưu đãi, hoạt động sản xuất, kinh doanh nhờ đó được phục hồi và phát triển trở lại sau một thời gian dài cầm chừng.
Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Trường Thọ (xã Phước Hậu, Ninh Phước) liên kết với Trung tâm
sản xuất giống cây trồng Nha Hố sản xuất giống lúa PY2 cho năng suất và lợi nhuận cao.
Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực của BCĐ sớm xác định nguyên nhân chính dẫn đến một số HTX làm ăn thua lỗ là do yếu tố con người, từ đó tập trung chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường công tác tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ HTX đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Khi rũ bỏ tư duy cũ, mỗi thành viên trong Hội đồng quản trị HTX có trách nhiệm hơn với tập thể, trăn trở tìm hướng “chèo lái” con thuyền kinh tế tập thể cập bến thành công. HTX Kinh doanh-Dịch vụ nông nghiệp An Xuân khi mới thành lập (tháng 6-2015) quy mô sản xuất nhỏ chỉ vài ha lúa giống. Thế nhưng, sau khi được hỗ trợ về xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, HTX đã thuyết phục được các thành viên góp vốn đầu tư canh tác cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao. Năm 2017, HTX liên kết với doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư nông nghiệp cho 10 hộ trồng 3 ha măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao và đang có kế hoạch mở rộng quy mô diện tích trong thời gian tới.
Nhìn lại một năm thực hiện công tác nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình HTX kiểu mới để thấy đơn vị nào chậm thay đổi, nợ đọng kéo dài thì phải cương quyết giải thể để tập trung hỗ trợ những HTX có triển vọng đứng vững trong nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Địa phương thực hiện tốt nội dung này phải kể đến huyện Ninh Phước. Để nâng cao hiệu quả kinh tế HTX, huyện đề ra mục tiêu cụ thể cho từng năm, giai đoạn. Trong đó, năm 2017 tập trung xử lý, giải thể dứt điểm các HTX đã ngừng hoạt động như Trường Sanh, Hoài Nhơn (xã Phước Hậu), Phú Nhuận, Đại Đoàn Kết (xã Phước Thuận); đồng thời, củng cố các HTX hoạt động cầm chừng, nhất là những HTX đang thực hiện chương trình cánh đồng lớn. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh thực hiện giải pháp cơ chế, chính sách, chú trọng đề xuất ngành chức năng giao quyền sử dụng đất cho HTX, hỗ trợ hoàn thiện thủ tục pháp lý đề nghị các tổ chức tín dụng cho HTX vay vốn với lãi suất ưu đãi để có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh. Từ động thái tích cực trên của chính quyền các cấp, ngành chức năng, đã tạo điều kiện để một số HTX vượt qua khó khăn, tìm được hướng đi thích hợp. Tiêu biểu như HTX Phước An, Phước Thiện (xã Phước Vinh) trong năm 2017 liên kết với doanh nghiệp sản xuất hạt giống bắp lai với diện tích trên 500 ha, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên.
Năm 2018, thực hiện Quyết định số 2158/QĐ-UBD ngày 8-11-2017 của UBND tỉnh, các địa phương triển khai thực hiện 14 cánh đồng lớn, quy mô 1.424,6 ha. Xác định để thực hiện tốt chương trình không thể thiếu vai trò của HTX, từ đó BCĐ đề ra nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tiếp tục công tác củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX kiểu mới.
Anh Tùng