B. KẾT QUẢ KỲ HỌP
II. XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH CÁC VẤN ĐỀ VỀ KINH TẾ-XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Quốc hội đã xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước. Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp; tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017. Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những ưu điểm, kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và đề ra nhiều giải pháp thiết thực, góp phần vào sự phát triển của đất nước năm 2018 và những năm tiếp theo.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết sau:
- Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, trong đó nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội... Đồng thời, đề ra 12 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang tính chất bao quát toàn bộ các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước nhằm tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra.
- Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018:
Năm 2018, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.319.200 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.523.200 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 204.000 tỷ đồng (tương đương 3,7% GDP); tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước là 363.284 tỷ đồng. Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1-7-2018.
- Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018: Quốc hội thông qua tổng số thu ngân sách trung ương là 753.404 tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 565.796 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách trung ương là 948.404 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.151 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
III. XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH CÁC VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG KHÁC
1. Về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng và thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, Quốc hội đã thông qua một số chỉ tiêu chính của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án như tổng mức đầu tư là 22.938 tỷ đồng; diện tích đất thu hồi là 5.399,35 ha. Đồng thời, yêu cầu việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021. Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trình Hội đồng thẩm định Nhà nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư Dự án.
2. Về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020
Xác định đây là Dự án quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông mang tính cần thiết, cấp bách; kết nối các trung tâm kinh tế-chính trị đặc biệt; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan, toàn diện và thống nhất thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Theo đó, công tác chuẩn bị đầu tư Dự án thực hiện từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành năm 2021 với khoảng 654 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 118.716 tỷ đồng. Quốc hội yêu cầu Chính phủ triển khai thực hiện Dự án bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức thực hiện và quản lý Dự án, đồng thời, hằng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án; thông tin đầy đủ để người dân hiểu về chủ trương đầu tư và tiến độ triển khai Dự án.
3. Về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 88/2014/QH13 quy định: “Từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông”. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện quy định trên còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm đúng lộ trình và tiến độ… nên Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét cho lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết điều chỉnh, theo đó, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ được lùi thời gian thực hiện, thời hạn bắt đầu áp dụng chậm nhất là từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.
4. Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh
Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, tạo điều kiện để TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách chung của cả nước. Theo đó, giao Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố; ban hành một số khoản phí, lệ phí mới và tăng mức phí, lệ phí đối với các loại phí, lệ phí hiện hành. Thí điểm tăng mức thuế, thuế suất đối với thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt không quá 25% so với mức thuế, thuế suất hiện hành. Đồng thời, cho phép Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm do thực hiện các chính sách thuế, phí, lệ phí thí điểm này; được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố; được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do Ủy ban nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu, cùng một số cơ chế, chính sách khác.
5. Về công tác nhân sự
Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu; việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Lê Minh Khái. Công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục luật định.
III. GIÁM SÁT TỐI CAO
1. Về chất vấn và trả lời chất vấn
Kỳ họp thứ 4 đã có 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 105 phiếu chất vấn, với 194 câu hỏi chất vấn (1) của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành. Trong thời gian 3 ngày, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm.
Các phiên họp chất vấn diễn ra trong không khí thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng. Các vị đại biểu Quốc hội thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, bám sát nội dung, tham gia tranh luận không chỉ với các thành viên Chính phủ mà còn tranh luận làm rõ vấn đề. Tổng cộng đã có 191 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 37 lượt đại biểu tham gia tranh luận.
Qua hoạt động chất vấn cho thấy, những vấn đề được Quốc hội lựa chọn là những vấn đề bức xúc, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm. Các thành viên Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, nghiêm túc trả lời đầy đủ, giải trình rõ, thẳng thắn và làm rõ trách nhiệm trong phạm vi phụ trách; đồng thời, cam kết khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết thâm tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Số lượng đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp này nhiều nhất từ trước đến nay và Thủ tướng Chính phủ cũng dành nhiều thời gian nhất để trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Chính phủ, các bộ, ngành tổ chức thực hiện, Quốc hội giám sát, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của Nhân dân.
2. Về xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan Nhà nước
- Quốc hội đã dành thời gian xem xét các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng. Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung các báo cáo và cho rằng, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã triển khai đồng bộ các biện pháp, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo quy định của các Nghị quyết của Quốc hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong các công tác này như: Một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng; tiến độ, chất lượng giải quyết một số vụ án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; việc thực hiện chủ trương tăng cường áp dụng các hình phạt ngoài tù chưa được quán triệt và thực hiện đầy đủ theo tinh thần của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp… Trên cơ sở đó, Quốc hội đã đề xuất nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các công tác này trong thời gian tới.
- Quốc hội đã nghe và thảo luận Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước trong năm 2017. Quốc hội cho rằng, số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo có giảm, kết quả giải quyết có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải quyết cao hơn năm trước nhưng tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, gay gắt, khó lường. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực còn bất cập, một số chính sách, pháp luật chưa phù hợp, tính ổn định chưa cao, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được quan tâm đúng mức. Qua xem xét, thảo luận, Quốc hội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo và khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Quốc hội đã dành thời gian để thảo luận Báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Việc bố trí thảo luận nội dung này có ý nghĩa quan trọng để khẳng định các chính sách về bình đẳng giới đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm cũng như thấy được sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc nâng cao nhận thức và hành động về bình đẳng giới. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế, Quốc hội đề nghị, cần quan tâm đẩy mạnh thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực; quan tâm công tác phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; bố trí ngân sách và tăng cường năng lực của đội ngũ làm công tác bình đẳng giới; tăng cường công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới...
Các nội dung này đã được truyền hình, phát thanh trực tiếp, trong đó nội dung việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân lần đầu tiên được bố trí thảo luận riêng tại hội trường.
3. Về giám sát chuyên đề
Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”. Đây là một chủ đề rất thời sự, được dư luận và đông đảo cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Việc Quốc hội thảo luận và ra Nghị quyết về chuyên đề giám sát này có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) nhanh chóng đi vào cuộc sống (2).
Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo kết quả giám sát và cho rằng, trong giai đoạn 2011-2016, việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã đạt những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vẫn chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ chậm được điều chỉnh. Tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, nhiều tầng nấc. Hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả. Việc quản lý biên chế tại một số Bộ, ngành, địa phương vẫn chưa nghiêm; cơ cấu công chức chưa hợp lý, số lượng cấp phó ở một số đơn vị vượt quy định...
Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quốc hội đề nghị việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính trong thời gian tới phải tiến hành đồng bộ, toàn diện cùng với đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị, phải thực hiện tổng thể, có lộ trình cụ thể, bám sát quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết này.
4. Các báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu
Ngoài các nội dung được Quốc hội xem xét, thảo luận riêng tại kỳ họp, số lượng lớn các báo cáo (khoảng 50 báo cáo) đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để tự nghiên cứu, chắt lọc thông tin và kết hợp thảo luận với các nội dung có liên quan hoặc gửi ý kiến, kiến nghị bằng văn bản để cơ quan trình nghiên cứu, tiếp thu. Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, chủ động dành thời gian nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng nội dung của các báo cáo, làm cơ sở cho việc thảo luận, kết hợp thảo luận với nhiều nội dung khác. Nhờ đó, chất lượng đóng góp ý kiến của đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao, có chiều sâu, toàn diện cũng như giúp cho các phiên họp tại kỳ họp diễn ra sôi nổi, thành công, tạo ấn tượng với cử tri và Nhân dân cả nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
IV. CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC
Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Quốc hội cũng đã tiến hành một số hoạt động đối ngoại quan trọng, góp phần thúc đẩy hoạt động ngoại giao nghị viện, thông qua đó, đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước nói riêng và Việt Nam với các nước trên thế giới nói chung. Đặc biệt, Quốc hội ghi nhận thành công của Hội nghị cấp cao APEC vừa qua, đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, mở ra nhiều cơ hội và hi vọng mới cho sự phát triển đất nước trong thời gian tới.
C. ĐỊNH HƯỚNG TUYÊN TRUYỀN
1. Khẳng định kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV diễn ra với không khí làm việc sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, hoàn thành khối lượng lớn chương trình đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Kết quả kỳ họp đã thể hiện sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, chu đáo, kỹ lưỡng, tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội; sự tham gia tích cực, trí tuệ, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế;
2. Tuyên truyền nội dung các luật, bộ luật được Quốc hội thông qua. Công tác xây dựng luật của Quốc hội ngày càng được thực hiện theo theo hướng đề cao chất lượng, thận trọng, cân nhắc kỹ, bảo đảm tính khả thi cao.
3. Tuyên truyền kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2017, nhấn mạnh mục tiêu tổng quát của nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2018 là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Tuyên truyền 12 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường và các nhiệm vụ về an ninh quốc phòng, công tác đối ngoại năm 2018.
4. Tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 gắn liền với việc tuyên truyền các Nghị quyết quan trọng vừa được ban hành như: ba nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về tiếp tục xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân; bốn nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, các cơ sở sự nghiệp công lập, vấn đề dân số và sức khỏe của nhân dân.
5. Cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, sớm triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ năm 2018.
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
-----------
(1): Một câu hỏi của một vị đại biểu Quốc hội về một vấn đề riêng biệt nào đó thuộc phạm vi trách nhiệm của một vị Bộ trưởng, Trưởng ngành được tính là một chất vấn.
(2): Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.