Kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

A. BỐI CẢNH DIỄN RA KỲ HỌP

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV diễn ra khi chỉ còn hơn hai tháng là kết thúc năm 2017. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực, sáng tạo của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, cùng với sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, nỗ lực của nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội nước ta đã tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Chín tháng đầu năm, kinh tế nước ta tăng trưởng khá; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; sản xuất, xuất khẩu, du lịch đang tiếp tục tăng trưởng. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế tiếp tục có bước chuyển biến. An sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Quan hệ đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế thu được những kết quả tốt đẹp, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên, đặc biệt với các sự kiện của Năm APEC Việt Nam 2017...

Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, dành được những kết quả tích cực, tạo tiền đề để đạt và vượt các chỉ tiêu của năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Phân bổ và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn chậm. Việc xử lý những dự án đầu tư không hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thất thoát kéo dài. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu. Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội và tội phạm trên nhiều lĩnh vực còn diễn biến phức tạp; còn diễn ra một số vụ phá rừng nghiêm trọng; tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn và đẩy lùi như mong muốn. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, diễn biến thời tiết bất thường... Tất cả những vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, tác động trực tiếp đến việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2017 và thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta phải tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, nỗ lực, phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện thắng lợi các nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng, đặc biệt là các nghị quyết quan trọng vừa được Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, khóa XII ban hành; hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, tạo thế và lực cho năm 2018 và chặng đường phát triển tiếp theo.

Sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm (từ ngày 23-10 đến ngày 24-11-2017), kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Sau đây là những kết quả chủ yếu của kỳ họp:

B. KẾT QUẢ KỲ HỌP

I. CÔNG TÁC LẬP PHÁP

Việc xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật tại kỳ họp này nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế hóa quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất với các luật mới được ban hành có liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, thông qua 6 luật và cho ý kiến về 9 dự án luật.

1. Các luật được thông qua có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong các lĩnh vực quy hoạch, quản lý nợ công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; phát triển lâm nghiệp, thủy sản; tăng cường, thúc đẩy công tác đối ngoại trong tình hình mới…

- Luật Quản lý nợ công được sửa đổi toàn diện, quy định phạm vi nợ công bảo đảm gắn với nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ, theo đó quy định nợ công không bao gồm các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước. Khẳng định nguyên tắc không chuyển khoản nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước về nợ công, cơ chế bảo lãnh, cho vay lại, các chỉ tiêu an toàn về nợ công...

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, hạn chế, ngăn ngừa tổ chức tín dụng yếu kém mới phát sinh, xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc sớm phát hiện, phục hồi, củng cố năng lực để các tổ chức tín dụng yếu kém có khả năng trở thành tổ chức tín dụng lành mạnh; xử lý những bất cập về vấn đề sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

- Luật Lâm nghiệp được thông qua gồm 12 chương, 108 điều quy định về thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng; dịch vụ môi trường rừng; hoạt động tài chính trong lâm nghiệp; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng; quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Luật sẽ góp phần quản lý các hoạt động về lâm nghiệp hiệu quả hơn, phát huy những lợi thế về rừng theo hướng là ngành kinh tế-kỹ thuật, đồng thời, rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn, người dân có thể đầu tư vào trồng rừng, làm kinh tế, phát triển nghề rừng.

- Luật Thủy sản được sửa đổi, bổ sung với nhiều điểm mới quan trọng như: Phương thức đồng quản lý, chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm, giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh... Quy định chặt chẽ về hạn ngạch khai thác thủy sản trên biển, gắn thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá xa bờ, chống nạn khai thác thủy sản bất hợp pháp, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tổ chức lực lượng kiểm ngư ở Trung ương và cấp tỉnh...

- Luật Quy hoạch được thông qua gồm 6 chương, 59 điều quy định về việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; quản lý nhà nước trong hoạt động quy hoạch. Trong đó, quy định hệ thống quy hoạch quốc gia bao gồm: Các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Quy định việc lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp theo hướng tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch trên một phạm vi lãnh thổ xác định.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đã sửa đổi, bổ sung các quy định về việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện, kinh phí hoạt động thường xuyên dành cho lĩnh vực thương mại; tiêu chuẩn thành viên cơ quan đại diện và tiêu chuẩn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền; chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; việc phối hợp công tác giữa đoàn được cử đi công tác nước ngoài và cơ quan đại diện…

2. Các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…

- Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận về nhiều nội dung mới như: Khái niệm tố cáo, chủ thể của tố cáo; việc tố cáo đối với hoạt động thi hành công vụ (bao hàm cả hoạt động công vụ của người đã về hưu); hình thức tố cáo; thời hiệu giải quyết tố cáo; thời điểm rút tố cáo, trách nhiệm của việc rút tố cáo khi gây thiệt hại về vật chất, danh dự, uy tín cho người bị tố cáo cho cơ quan nhà nước; điểm dừng trong giải quyết tố cáo, có cơ chế đặc thù khi phát hiện vi phạm trong trường hợp đã dừng giải quyết không; việc bảo vệ người tố cáo…

- Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt quy định về quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

- Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được trình Quốc hội theo hướng sửa đổi toàn diện quy định về phòng ngừa, phát hiện và xử lý người có hành vi tham nhũng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng. Trong đó, có nhiều nội dung mới quan trọng như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật ra khu vực ngoài nhà nước; bổ sung các quy định về chế độ liêm chính và kiểm soát xung đột lợi ích; sửa đổi quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập…

Đây là dự án Luật rất quan trọng có nhiều quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền công dân, cần tiếp tục được đánh giá tác động và xin ý kiến của đối tượng chịu sự tác tác động nên sẽ được xem xét, thông qua theo trình tự 3 kỳ họp để có thời gian hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi.

- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến: Thể thao quần chúng, giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, thể thao trong lực lượng vũ trang, thể thao thành tích cao, cơ sở thể thao, nguồn lực phát triển thể dục, thể thao, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thể thao, sửa đổi tên gọi của các cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao...

- Dự án Luật Đo đạc và bản đồ quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.

- Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng đối với mọi đối tượng liên quan đến cạnh tranh trên thị trường, gồm cả cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính...; trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh và cơ quan quản lý cạnh tranh; hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; hành vi cạnh tranh không lành mạnh...

- Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) được Quốc hội tập trung thảo luận về nhiều nội dung quan trọng như: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc hoạt động quốc phòng; công tác phòng thủ; việc kết hợp giữa quốc phòng và kinh tế, văn hóa, xã hội; Hội đồng quốc phòng và an ninh; chế độ, chính sách đãi ngộ; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng...

- Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ bí mật nhà nước.

- Dự án Luật An ninh mạng quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và có liên quan tới hoạt động bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhìn chung, các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đã được các cơ quan chuẩn bị chu đáo, đầy đủ hồ sơ theo quy định. Các vị đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, tích cực tham gia thảo luận, tranh luận, đưa ra những ý kiến cụ thể về nhiều nội dung mới, còn ý kiến khác nhau của dự án luật. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

3. Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cơ quan có liên quan có kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật vừa được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống. Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật; đồng thời có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Ban Tuyên Giáo Trung ương