Họp trực tuyến ứng phó với bão Tembin

(NTO) Ngày 23-12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác ứng phó khẩn cấp với bão Tembin (bão số 16). Tại điểm cầu tỉnh ta, tham dự cuộc họp có đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

 
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự cuộc họp.

Theo dự báo, đến 16 giờ ngày 23-12 vị trí tâm bão cách đảo Palawan của Philippin khoảng 140 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng trung tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 13. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh và tiếp tục mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 24/12, vị trí tâm bão cách Trường Sa lớn thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 170 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 14. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 4.

Sau khi nghe các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các địa phương báo cáo về tình hình triển khai các phương án ứng phó với bão Tembin, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá đây là cơn bão rất phức tạp, có tốc độ di chuyển nhanh, khó lường, phạm vi ảnh hưởng lớn do vậy các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng phó với bão. Trong đó cần liên tục cập nhật cường độ, hướng di chuyển của bão và thông tin kịp thời đến nhân dân để có phương án phòng chống, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, quản lý chặt chẽ việc ra khơi, tổ chức neo đậu an toàn; chỉ đạo, hướng dẫn người dân chặt tỉa cây, chằng chống bảo vệ nhà cửa, bảo vệ sản xuất, có phương án chống ngập do mưa lớn cộng thêm triều cường; huy động sẵn sàng lực lượng cứu nạn, cứu hộ.

Ngay sau cuộc họp trực tuyến, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành và địa phương để ứng phó với cơn bão Tembin.

Đồng chí yêu cầu các ngành và địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các phương án ứng phó với bão, trong đó cần kiểm tra tình hình an toàn bờ biển, các công trình ven biển, nhà dân, chủ động di dời một số hộ dân có khả năng gặp nguy hiểm khi có sóng biển lớn; thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, các công trình ven biển, tàu thuyền tại khu neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản có nguy cơ ảnh hưởng do nước dâng, triều cường và gió mạnh; theo dõi, cập nhật thông tin về bão để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phát lệnh cấm biển khi cần thiết.