Thế giới trong tuần

 1. Trong tuần thông tin nổi bật, đó là ngày 23-11, nước Anh đã bị Ủy ban Châu Âu tuyên bố loại khỏi danh sách nước ứng cử bình chọn làm “Thủ đô Văn hóa của châu Âu” vào năm 2023 do Anh sẽ rời Liên minh Châu Âu vào năm 2019. Điều này có nghĩa danh hiệu sẽ thuộc về Hungary do danh sách ứng cử viên cuối cùng chỉ còn có 2 nước là Anh và Hungary. 

Theo phóng viên TTXVN tại London, tuyên bố của Ủy ban Châu Âu đã khiến chính phủ Anh bất bình do cho rằng trước đây danh hiệu này từng được trao cho những nước như Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ và Iceland dù không phải là thành viên EU. London khẳng định Anh chỉ rời EU chứ không phải rời bỏ châu Âu. Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh cho hay hiện đang có cuộc gặp khẩn với EU. Trong khi đó, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon “hoàn toàn thất vọng” khi cho rằng Scotland là “nạn nhân” của việc đảng Bảo thủ đẩy nước Anh ra khỏi EU mà người dân Scotland không hề mong muốn. Trước đó, các thành phố của Anh là Nottingham, Leeds, Milton Keynes, Dundee và liên kết giữa Belfast-Londonderry-Strabane đã chạy đua cho danh hiệu nói trên. 

Hiện Ủy ban Châu Âu tuyên bố chỉ những nước là thành viên EU, hoặc những nước sẽ gia nhập EU hoặc thuộc khối EFTA/EEA (Hiệp hội thương mại tự do châu Âu/Khu vực kinh tế châu Âu) mới được phép tham gia ứng cử. Theo người phát ngôn Ủy ban Châu Âu, quyết định đề cử Hungary và Anh vào vị trí thủ đô văn hóa châu Âu năm 2023 đã được Nghị viện Châu Âu và Hội đồng các bộ trưởng thông qua hồi năm 2014, hai năm trước khi Anh quyết định rời EU. Ủy ban Châu Âu khẳng định “một trong những hậu quả của việc Anh quyết định rời EU đó là họ sẽ không được phép tham gia ứng cử danh hiệu này nữa”.

2. Thông tin cũng rất đáng chú ý, đó là ngày 23-11, các lực lượng an ninh Iraq đã triển khai chiến dịch truy quét các phần tử khủng bố thuộc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại khu vực sa mạc giáp giới Syria. Đây là chiến dịch cuối cùng nhằm giải phóng hoàn toàn lãnh thổ Iraq khỏi sự kiểm soát của IS. 

Giới chức quân đội Iraq cho biết các binh sĩ quân đội và lực lượng dân quân theo dòng Hồi giáo Shi’ite PMF là lực lượng chính tiến hành chiến dịch truy quét phiến quân lẩn trốn tại dải biên giới gần Syria này. Theo Đại tá quân đội Iraq Salah Kareem, mục tiêu của chiến dịch này là ngăn chặn các nhóm IS còn lại lẩn trốn vào vùng sa mạc này và biến đây thành căn cứ chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới. 

Trước đó, ngày 21-11, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết về quân sự, IS đã bị quân đội Iraq đánh bại hoàn toàn nhưng ông sẽ chỉ tuyên bố chiến thắng cuối cùng sau khi quân đội truy quét thành công các thành viên của tổ chức này đang lẩn trốn ở vùng sa mạc. 

Ngày 17-11 vừa qua, Iraq đã giải phóng thành phố Rawa, đô thị cuối cùng bị IS kiểm soát, đánh dấu sự sụp đổ của “nhà nước Hồi giáo” tự xưng vốn kiểm soát phần lớn lãnh thổ phía Bắc và phía Tây Iraq vào năm 2014.

3. Các hãng hàng không American Airlines và United Airlines của Mỹ đã chấp nhận bồi thường  95,1 triệu USD để dàn xếp với nhà đầu tư Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) về thiệt hại trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 11-9-2001, chấm dứt tranh cãi pháp lý kéo dài 13 năm. 

Theo hồ sơ tòa án nộp ngày 21-11, các hãng bảo hiểm sẽ chi trả khoản tiền đền bù trên cho công ty bất động sản WTC Properties, thuộc sở hữu của ông Larry Silverstein. Thỏa thuận bồi thường này cần được Thẩm phán Alvin Hellerstein thông qua. 

Sáu tuần trước khi xảy ra vụ khủng bố nhằm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York, ông Silverstein đã ký hợp đồng thuê địa điểm này trong 99 năm. Lô đất này thuộc sở hữu của chính quyền New York và New Jersey. Sau khi xảy ra vụ không tặc cướp máy bay tấn công khiến tòa tháp đôi sụp đổ, ông Silverstein đã được các công ty bảo hiểm bồi thường 4,55 tỷ USD sau tiến trình đàm phán kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, ông Silverstein còn đòi 2 hãng hàng không American Airlines và United Airlines đền bù do các máy bay bị không tặc sử dụng trong vụ tấn công thuộc các hãng này. Số tiền mà ông yêu cầu các hãng hàng không và công ty an ninh sân bay bồi thường là 12,3 tỷ USD.