Khó khăn trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tuyến xã

(NTO) Theo quy định, trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được thực hiện phân cấp theo thẩm quyền. Đối với tuyến cơ sở do UBND phường, xã, thị trấn (gọi tắt là tuyến xã) quản lý. Tuy nhiên, tình trạng thiếu cán bộ chuyên môn, không có thiết bị kiểm tra nên công tác quản lý về ATVSTP ở tuyến xã trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Võ Thị Thanh Thủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Hải (Ninh Hải) cho biết: Việc quản lý ATVSTP trên địa bàn xã vẫn được thực hiện thường xuyên, hằng năm đều tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra về vấn đề này. Trên địa bàn có khoảng 150 hộ kinh doanh thực phẩm, ăn uống, giải khát… hầu hết là nhỏ lẻ, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy khám sức khỏe nhưng qua kiểm tra hầu như không xử phạt, mà chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền.

Không riêng gì ở vùng nông thôn, trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cũng gặp nhiều vướng mắc. Đồng chí Nguyễn Giang Trường, Chủ tịch UBND phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), Trưởng ban Chỉ đạo ATVSTP cho biết: Khi kiểm tra, chủ yếu kiểm tra hộ kinh doanh có đảm bảo yêu cầu về thủ tục hành chính như giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy khám sức khỏe của người kinh doanh, điểm kinh doanh có đảm bảo vệ sinh môi trường; còn để kết luận có bảo đảm ATVSTP hay không thì không có căn cứ, cơ sở vì không có thiết bị kiểm tra. Vì vậy, trong quá trình kiểm tra chúng tôi chỉ nhắc nhở, tuyên truyền là chính, chưa xử phạt trường hợp nào.

Theo Quyết định 2223/QĐ-UBND ngày 13-9-2016 của UBND tỉnh về việc phân cấp quản lý ATVSTP tuyến xã, thì Ban Chỉ đạo ATVSTP do Chủ tịch UBND địa phương làm trưởng ban, phó ban là Trạm trưởng Trạm y tế; các thành viên khác gồm cán bộ công an, tư pháp, văn hóa xã hội... Tuy nhiên, việc quản lý về ATVSTP lại gặp nhiều khó khăn. Qua tìm hiểu cho thấy, việc kiểm tra ATVSTP ở tuyến xã chủ yếu bằng cảm quan, do thiếu thiết bị và chuyên môn. Thành viên Ban chỉ đạo ATVSTP đều kiêm nhiệm; cán bộ chuyên trách về ATVSTP cơ bản không chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, chủ yếu thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn. Các mẫu test nhanh còn thiếu; kinh phí để thực hiện công tác quản lý ATVSTP còn hạn hẹp, nên chủ yếu tuyên truyền là chính.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thành Trọng Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Trước những bất cập, khó khăn trong quá trình quản lý ATVSTP tuyến xã, thời gian tới, Chi cục tiến hành tập huấn trang bị kiến thức và các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ quản lý ATTP tại tuyến xã. Đồng thời, mong muốn UBND huyện, thành phố phân bổ kinh phí hoạt động quản lý ATVSTP, cán bộ phụ trách cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát cơ sở, thường xuyên kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về ATTP theo quy định. Cần xây dựng quy chế làm việc và phân công cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tuyến xã.