Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận

(NTO) Ngày 20-11, Đoàn thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận về tình hình hoạt động ngân hàng năm 2017 và tình hình thực hiện cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh.

 
 Đoàn Giám sát Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận.

Theo báo cáo, nhìn chung trong năm 2017, ngành Ngân hàng trong tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Huy động vốn tại chỗ ước đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ, vượt 21,8% kế hoạch đề ra. Tổng doanh số cho vay ước đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 12%. Tổng doanh số thu nợ ước đạt 26.810 tỷ đồng, tăng 11,8%. Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt. Tổng nợ xấu ước 210 tỷ đồng, chiếm 1,2% tổng dư nợ.

Việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD được quan tâm đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, 5 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần, 1 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, 3 quỹ tín dụng nhân dân, với tổng số 27 chi nhánh và phòng giao dịch trực thuộc; riêng Ngân hàng Chính sách xã hội có 65 điểm giao dịch xã. Mạng lưới TCTD không ngừng được hoàn thiện theo hướng hiện đại hóa; được giám sát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện tốt vai trò là kênh cung ứng vốn chủ yếu phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Lê Văn Lợi, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được của ngành Ngân hàng thời gian qua; yêu cầu trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục có các giải pháp thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành; hỗ trợ các ngân hàng thương mại nâng cao nâng lực quản trị, chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Ngân hàng; đặc biệt có các giải pháp huy động vốn, nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu…, tạo nguồn lực, điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận tốt nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.