Các dấu mốc Hội nghị Cấp cao APEC

Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á–Thái Bình Dương (APEC) ra đời tháng 11-1989, ban đầu gồm 12 nền kinh tế thành viên, đến nay, quy tụ 21 nền kinh tế thành viên, chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 39% dân số thế giới, 57% GDP toàn cầu và 50% thương mại thế giới; khẳng định vị thế là diễn đàn hợp tác kinh tế quy mô hàng đầu tại châu Á–Thái Bình Dương. Việt Nam chính thức gia nhập APEC vào năm 1998 và trong gần 20 năm qua trở thành một thành viên tích cực với nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Diễn đàn, trong đó phải kể đến vai trò chủ nhà APEC năm 2006. Dưới sự chủ trì của chủ nhà Việt Nam, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đạt sự đồng thuận chính thức khẳng định việc hình thành khu vực thương mại tự do châu Á–Thái Bình Dương là một triển vọng dài hạn, phù hợp xu thế liên kết sâu rộng toàn khu vực. Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện, khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới, tham gia đóng góp vào việc định hình các cơ chế hợp tác đa phương. Việc các thành viên ủng hộ Việt Nam đăng cai APEC lần thứ hai này đã thể hiện sự tin cậy và tín nhiệm cao của các thành viên đối với Việt Nam. Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” mà Việt Nam đưa ra trong năm APEC 2017 có ý nghĩa then chốt, giúp định hướng hợp tác của Diễn đàn, góp phần thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường liên kết kinh tế khu vực và tạo động lực mới cho tăng trưởng của châu Á–Thái Bình Dương và từng nền kinh tế trong khu vực.

Sau đây là các dấu mốc Hội nghị Cấp cao APEC qua 28 năm hình thành và phát triển.

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ nhất vào tháng 11-1993 tại Seattle (Hoa Kỳ), ra Tuyên bố chung như một tiếng nói mới cho khu vực châu Á–Thái Bình Dương trong các vấn đề quốc tế, đánh dấu bước khởi đầu kết nối và phát triển các thành viên APEC. Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ hai vào tháng 11-1994 tại Bogor (Indonesia) đã định ra thời gian cụ thể hoàn thành mục tiêu tự do thương mại và đầu tư đối với các nước công nghiệp phát triển vào năm 2020. Các hội nghị cấp cao APEC tiếp theo đã cụ thể hóa từng bước Mục tiêu Bogor và định hướng phát triển sau Bogor. Đó là Hội nghị lần thứ 3 vào tháng 11-1995 tại Osaka (Nhật Bản); lần thứ 4 vào tháng 11-1996 tại Manila (Philippines); lần thứ 5 vào tháng 10-1997 tại Vancouver (Canada); lần thứ 6 vào tháng 11-1998 tại Kuala Lumpur (Malaysia); lần thứ 7 vào tháng 11-1999 tại Auckland (New Zealand); lần thứ 8 vào tháng 11-2000 tại Bandar Seri Begawan (Brunei); lần thứ 9 vào tháng 11-2001 tại Thượng Hải (Trung Quốc); lần thứ 10 vào tháng 10-2002 tại Los Cabos (Mexico); lần thứ 11 vào tháng 10-2003 tại Bangkok (Thái Lan); lần thứ 12 vào tháng 11-2004 tại Santiago de Chile (Chile); lần thứ 13 vào tháng 11-2005 tại Busan (Hàn Quốc); lần thứ 14 vào tháng 11-2006 tại Hà Nội (Việt Nam); lần thứ 15 vào tháng 9-2007 tại Sydney (Australia); lần thứ 16 vào tháng 11-2008 tại Lima (Peru); lần thứ 17 vào tháng 11-2009 tại Singapore; lần thứ 18 vào tháng 11-2010 tại Yokohama (Nhật Bản); lần thứ 19 vào tháng 11- 2011 tại Bang Hawaii (Hoa Kỳ); lần thứ 20 vào tháng 9-2012 tại Vladivostok (Liên bang Nga); lần thứ 21 vào tháng 10-2013 tại Bali (Indonesia); lần thứ 22 vào tháng 11-2014 tại Bắc Kinh (Trung Quốc); lần thứ 23 vào tháng 11-2015 tại Manila (Philippines); lần thứ 24 vào tháng 11-2016 tại Lima (Peru) và Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 vào tháng 11-2017 tại Đà Nẵng (Việt Nam).