Chủ động, khẩn trương ứng phó với cơn bão số 12, mưa lũ trên địa bàn tỉnh

(NTO) Ngày 2-11, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai công tác phòng chống cơn bão số 12, mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Theo dự báo của Trung tâm khí thượng thủy văn Quốc gia, cơn bão số 12 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, để chủ động ứng phó hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện khẩn số 4632/CĐ-UBND triển khai thực hiện công tác phòng áp thấp nhiệt đới, mưa lũ trên địa bàn tỉnh, gửi các ban, ngành, huyện thành phố yêu cầu dốc toàn lực ứng phó cơn bão số 12 và tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Ảnh: V.M

Tại cuộc họp, đại diện các huyện, thành phố, sở, ngành đã nêu ra nhiều phương án chuẩn bị đối phó với tình hình bão, mưa lũ. Đến nay, tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 2.651 chiếc/16.474 lao động, trong đó: tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 587 chiếc/5.039 lao động đã liên lạc được. Tàu thuyền neo đậu tại các bến, cảng của Ninh Thuận: 2.064 chiếc/11.435 lao động. Do ảnh hưởng áp thấp trước đó, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện lượng mưa trên diện rộng. Dung tích 21 hồ chứa nước 151,79/194,49 triệu m3 đạt 78,05%. Các hồ chứa nước đang xả lũ như: Trà Co 8,02 m3/s, Ma Trai 0,14 m3/s, Tân Giang 3,06 m3/s, Lanh Ra 3,49 m3/s.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Cơn bão số 12 và thời tiết mưa lũ đang diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, các sở, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 1-11-2017 của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ; Công điện số 4632/CĐ-UBND ngày 2-11-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai thực hiện công tác phòng áp thấp nhiệt đới, mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Tổ chức trực ban 24/24 giờ (kể cả ngày thứ 7 và chủ nhật), theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, mưa lũ để ứng phó kịp thời với tình huống xấu có thể xảy ra, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Bắt đầu từ 15 giờ, ngày 2-11 nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển di dời ra khỏi vùng nguy hiểm và vào bến neo đậu, tránh trú. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thường xuyên theo dõi diễn biến cơn bão, mưa lũ, kịp thời thông báo cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan biết, chủ động chỉ đạo ứng phó. Các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh và các huyện, thành phố thường xuyên thông báo diễn biến của bão cho người dân biết để ứng phó.

Các địa phương cần có kế hoạch chủ động di dời dân ở những vùng xung yếu, ven sông, ven suối, hồ đập, vùng có nguy cơ sạt lở cao, vùng lũ quét, chỉ đạo người dân chằng, chống nhà cửa, nhất là khu vực ven biển, giảm thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của Nhân dân. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi bão, mưa lũ, lụt xảy ra. Sở NN&PTNT kiểm tra lại an toàn các hồ đập, các hồ thủy lợi đang còn thấp thì sẵn sàng tích nước, các hồ gần đạt ngưỡng từ 90- 95% cần vận hành an toàn, cảnh báo tình huống xả lũ cho các địa phương để chủ động ứng phó, nếu xả sai quy trình sẽ kỷ luật nghiêm đối với các cơ quan, cá nhân vi phạm. Đối với tuyến biển đảm bảo an toàn kè cảng, neo đậu tàu thuyền; những nơi không an toàn kiến quyết di dời. Các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư thông báo cho các đơn vị thi công bố trí người trực tại công trình, nhất là các công trình trọng điểm đang thi công để có phương án ứng phó kịp thời, bảo đảm an toàn công trình, thiết bị và con người khi mưa lũ xảy ra; duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngay sau cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo khẩn trương xuống cơ sở nắm bắt tình hình và triển khai các biện pháp phòng, chống bão, mưa lũ.