Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận của các cơ quan nhà nước

Đồng chí Cao Văn Hóa, UVTV,
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

(NTO) Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Ninh Thuận sớm xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó công tác dân vận của các cơ quan nhà nước có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng Đề án “Xây dựng các giải pháp công tác dân vận chính quyền tỉnh Ninh Thuận thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2011 - 2015”; đồng thời ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 15-8-2011 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận chính quyền tỉnh Ninh Thuận thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2011 - 2015”.

Sau 5 năm triển khai, tỉnh ta đã tiến hành kiểm tra, sơ kết việc thực hiện và ngày 11-5-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Chỉ thị số 37-CT/TU về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp”; chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện gắn với triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”... Trên cơ sở đó, các cấp ủy, các sở, ngành và chính quyền các cấp đã phân công lãnh đạo phụ trách dân vận, thể chế hóa nghị quyết, chỉ thị của của Đảng về công tác dân vận bằng các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể... Việc thực hiện Quy chế dân chủ được đẩy mạnh ở tất cả các loại hình cơ sở, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ và trách nhiệm khi triển khai các chương trình, dự án, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân. Tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp với Nhân dân, thực hiện công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Nhân dân theo đúng quy định của pháp luật...

Ban Dân vận Tỉnh ủy thường xuyên tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy định kỳ sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về công tác dân vận; kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Để nâng cao chất lượng và đưa công tác dân vận chính quyền thực sự đi vào cuộc sống, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã xây dựng Quy chế phối hợp với UBND tỉnh theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Nhờ đó công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp có những chuyển biến tích cực. Công tác cải cách hành chính đã được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các nội dung: cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Song song đó là kịp thời giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo và những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc chính đáng của Nhân dân.

Công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo được quan tâm triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời. Trong công tác dân vận, Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu Tỉnh ủy ban hành Đề án, Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 16-11-2016 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về việc “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2016-2020”; qua đó tuyên truyền, vận động làm chuyển biến nhận thức và hành động của đồng bào các dân tộc trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, xóa bỏ những tập quán lạc hậu, tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương... Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh, Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là quá trình tổ chức thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, với các nội dung, yêu cầu sát thực tiễn cuộc sống đã được các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực hưởng ứng, ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả tích cực. Đến nay toàn tỉnh có 16/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 34,04%); thu nhập bình quân đạt 22,8 triệu đồng/người/năm. Tính đến cuối năm 2016, số hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm còn 20.253 hộ (tỷ lệ 12,54%)...

Nhìn chung nhờ đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước mà môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh nhà ngày càng cải thiện, được đông đảo Nhân dân và doanh nghiệp, tổ chức đồng tình ủng hộ. Để chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân vận của Đảng, trong thời gian tới đề nghị cần tập trung thực hiện tốt những nội dung như sau:

Thứ nhất, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận; Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới. Gắn nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện công tác dân vận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII).

Thứ hai, các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp thường xuyên rà soát xây dựng bổ sung các quy chế, quy định có liên quan đến công tác dân vận. Cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận thành các chương trình, kế hoạch, quy chế phù hợp tình hình thực tiễn địa phương để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới tác phong, lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; công khai các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của Nhân dân. Mở rộng các hình thức đối thoại dân chủ, trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân.

Thứ tư, Chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo. Tập trung rà soát, kịp thời chỉ đạo giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp…