Tăng cường quản lý vốn đầu tư công

(NTO) Theo kế hoạch, năm 2017, tổng vốn Trung ương giao cho tỉnh ta gần 912,5 tỷ đồng, trong đó giao đầu năm gần 596,2 tỷ đồng và giao bổ sung 6 tháng đầu năm gần 316,1 tỷ đồng. Trong số này, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương được giao nhiều nhất gần 493, 5 tỷ đồng; tiếp đến là vốn chương trình mục tiêu gần 345 tỷ đồng và nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia gần 74 tỷ đồng. Ngoài số vốn đã giao kể trên, Trung ương còn cho phép tỉnh kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán kế hoạch năm 2016 sang năm 2017 gần 168,2 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư đến ngày 30-6-2017 lên trên 1.080 tỷ đồng.

Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết: Các nguồn vốn sau khi được Trung ương giao, UBND tỉnh đã triển khai phân bổ kịp thời cho các sở, ngành, địa phương theo đúng Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách để thực hiện 67 công trình, với tổng vốn 419 tỷ đồng, trong đó: có 51 công trình chuyển tiếp/384,5 tỷ đồng, 16 công trình khởi công mới với 34,5 tỷ đồng. Riêng kế hoạch vốn trung hạn 5 năm (2016 – 2020), đến nay Bộ KH&ĐT mới giao chi tiết của 2 nguồn vốn là Chương trình mục tiêu và vốn cân đối ngân sách địa phương, với tổng số tiền trên 4.000 tỷ đồng...

 
Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trên đường phát triển. Ảnh: V.M

Mặc dù nguồn vốn kế hoạch năm 2017 Trung ương giao chậm hơn so với những năm trước, nhưng với sự quản lý đầu tư chặt chẽ, bố trí kế hoạch vốn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, đến nay qua rà soát tiến độ có 13 công trình đã hoàn thành, 53 công trình đang tổ chức thi công. Dự kiến đến cuối năm 2017 có thêm 13 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, nâng tổng số công trình hoàn thành lên 27 công trình và 40 công trình chuyển tiếp sang năm 2018 là cơ bản đáp ứng theo tiến độ đề ra. Về kết quả giải ngân các nguồn vốn, đến ngày 30-6, đã đạt 57,6% kế hoạch, trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 63%, vốn chương trình mục tiêu đạt 61,1% và vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt 5,4%. Đồng chí Nguyễn Đình Linh, Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh cho biết: Kết quả giải ngân các nguồn vốn của tỉnh ta trong 6 tháng đầu năm được đánh giá đạt khá, cao hơn mức bình quân cả nước 29,6%. Tuy nhiên, còn nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, thậm chí có dự án được bố trí kế hoạch vốn thanh toán ngay từ đầu năm, nhưng đến nay chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp. Cụ thể như 2 dự án, Trường THCS Ngô Quyền và công trình nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Sơn dù đã có quyết toán nhưng đến nay chưa giải ngân. Các dự án đang triển khai thi công nhưng có tỷ lệ giải ngân đạt thấp dưới 32% kế hoạch, gồm: Trường Cao đẳng Nghề tỉnh đạt 0,6%, công trình mở rộng Trung tâm Y tế Dự phòng đạt 8,1%, công trình Trường Mầm non Phước Dinh đạt 6,7%, công trình nâng cấp sửa chữa Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần đạt 27,6%...

Theo quy định của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP, ngày 8-7-2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, đến ngày 30-9, địa phương nào giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn thì điều chuyển vốn sang địa phương khác; dự án nào giải ngân dưới 30% thì không bố trí kế hoạch vốn năm 2017. Đối với tỉnh ta, nguồn vốn Chương trình mục tiêu kế hoạch năm 2016 có 2 dự án đến 30-9-2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch, nên Trung ương đã không bố trí vốn trong năm 2017, đó là: Dự án phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất; Dự án nâng cấp Trạm Xử lý nước thải, san nền và đường giao thông nội bộ Khu Công nghiệp Thành Hải. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công còn khó khăn, mức vốn Trung ương thông báo cho tỉnh còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án, UBND tỉnh đã kịp thời chuyển hướng từ tranh thủ nguồn lực Trung ương sang thu hút có hiệu quả nhiều dự án ODA có quy mô lớn đang triển khai và sắp triển khai, nên nhu cầu vốn đối ứng bổ sung cho những tháng cuối năm 2017 là rất lớn, khoảng 251 tỷ đồng/24 dự án. Thế nhưng, nguồn vốn cân đối ngân sách của địa phương năm 2017 không bố trí dự phòng, nên nguồn vốn còn lại duy nhất để bổ sung đối ứng cho các dự án chủ yếu là nguồn tăng thu ngân sách năm 2014 thực hiện cải cách tiền lương năm 2015 còn lại gần 33,7 tỷ đồng. Hiện Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đang thẩm tra để tham mưu Thường trực HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến.

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tìm ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, đảm bảo hoàn thành các công trình theo kế hoạch đề ra, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản nhằm đánh giá tình hình giải ngân vốn 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2017. Tại cuộc họp này, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, đơn vị trực thuộc được giao làm chủ đầu tư rà soát tình hình giải ngân của từng dự án, để kịp thời có giải pháp tháo gỡ cụ thể cho từng trường hợp. Đồng thời khẩn trương phân khai các nguồn vốn Trung ương giao bổ sung trong 6 tháng cuối năm 2017; đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục, hồ sơ thanh toán các dự án để đảm bảo đến 30-9 tới, tiến độ giải ngân các nguồn vốn đạt trên 50% kế hoạch. Đối với các chủ đầu tư, cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng: Tiếp tục kiến nghị và trực tiếp làm việc với các bộ, ngành Trung ương để xin kéo dài số vốn năm 2016 chưa giải ngân trên 81,24 tỷ đồng sang năm 2017…, phấn đấu đến cuối năm giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.