Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020

LTS: Ngày 30-8- 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TU về sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nhà; nhiều nghị quyết, chỉ thị được triển khai, thực hiện đạt kết quả quan trọng; chất lượng và hiệu quả giáo dục ngày càng được nâng lên. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đạt được kết quả tích cực. Hệ thống trường, lớp học được đầu tư phát triển theo hướng kiên cố hóa, đạt chuẩn quốc gia. Giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh được quan tâm đầu tư phát triển. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp học đủ về số lượng và cơ cấu; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về trình độ và nghề nghiệp cao hơn mặt bằng chung của cả nước, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học còn hạn chế; các điểm trường còn phân tán, việc khai thác, sử dụng hệ thống trường, lớp học ở một số địa phương chưa hiệu quả; cơ sở vật chất một số nơi xuống cấp, chưa đồng bộ, chưa phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; công tác bố trí đội ngũ giáo viên và công tác quản lý hoạt động dạy học còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập đó là: Sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo chưa đầy đủ, kịp thời; công tác phối hợp của ngành Giáo dục với cấp ủy, chính quyền các cấp chưa được thường xuyên, chặt chẽ và đồng bộ.

Để khai thác và sử dụng hiệu quả mạng lưới trường, lớp học và phát huy năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp học, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1/ Quán triệt quan điểm chỉ đạo

- Sắp xếp mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham mưu của các cơ quan quản lý giáo dục và sự giám sát của Hội đồng nhân dân, đoàn thể các cấp trong tỉnh.

- Bố trí mạng lưới trường, lớp học phải khoa học, hợp lý, phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tình hình thực tiễn của các vùng, miền trong tỉnh; khắc phục những hạn chế bất cập, bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, không để tình trạng học sinh bỏ học tăng, gắn với việc đầu tư hoàn thiện hệ thống trường, lớp học đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

- Bố trí đội ngũ cán bộ quản lý theo hướng tinh gọn; sắp xếp đội ngũ giáo viên chuẩn hóa, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

2/ Thực hiện mục tiêu đến năm 2020

Có mạng lưới trường, lớp học bảo đảm ổn định, phát triển lâu dài và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư; tinh gọn bộ máy cán bộ quản lý và sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lý, đảm bảo theo định mức quy định; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh; chú trọng phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về giáo dục theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra: Có ít nhất 30% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 80% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt 20%. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học là 99%, trung học cơ sở là 95%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cấp tiểu học và trung học cơ sở là 50%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào lớp 10 đạt 70%, phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 trường chất lượng cao; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở. 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo.

3/ Nhiệm vụ và giải pháp

3.1/ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về quan điểm, mục tiêu của việc rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong đó, chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến Nhân dân.

3.2/ Tập trung rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và trung học cơ sở theo hướng sáp nhập điểm trường nhỏ, lẻ về điểm trường chính hoặc thành lập trường phổ thông liên cấp. Khuyến khích thành lập mới trường mầm non tư thục, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của Nhân dân.

Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định về định mức và phù hợp với tình hình phát triển giáo dục tại mỗi địa bàn; đảm bảo khoa học, công khai, dân chủ, công bằng và tạo sự đồng thuận của người dân. Đồng thời, phải đảm bảo sự thống nhất giữa cơ quan quản lý giáo dục với cấp ủy, chính quyền các cấp, không làm xáo trộn đến công tác dạy và học, nhất là đảm bảo điều kiện học tập của học sinh, ổn định tư tưởng của phụ huynh học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các điểm trường được sắp xếp.

3.3/ Xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn về trình độ và chuẩn nghề nghiệp; chú trọng bồi dưỡng thường xuyên ngay tại nhà trường cho đội ngũ giáo viên thông qua sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, trao đổi, tự học; tăng cường công tác khảo sát năng lực, đánh giá, xếp loại nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục làm cơ sở sắp xếp, bố trí cán bộ đảm bảo hợp lý, hiệu quả.

3.4/ Huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới trường, lớp học, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phục vụ thiết thực công tác phổ cập giáo dục.

3.5/ Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý nhà nước, sự tham gia giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận, đoàn thể và Nhân dân đối với việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục và đào tạo, tránh lãng phí trong sử dụng tài sản công và nguồn nhân lực; sử dụng hiệu quả ngân sách chi đầu tư, chi thường xuyên mua sắm trang thiết bị trường học. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiệu quả, đúng quy định.

4/ Tổ chức thực hiện

- Các huyện ủy, thành ủy căn cứ Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện đảm bảo đúng lộ trình và hiệu quả.

- Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh.

- Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch vận động, tuyên truyền đoàn viên, hội viên và Nhân dân đồng thuận, chấp hành chủ trương và giám sát việc sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh.

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn, định hướng các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, mục đích của việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giai đoạn 2017-2020 để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh biết, thống nhất thực hiện.

- Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 gắn với thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung trên; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Chỉ thị này được phổ biến, quán triệt đến chi bộ, tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân.