Bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng

(NTO) Đến thời điểm này dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã xuất hiện tại hầu hết tỉnh, thành phố trên cả nước, ghi nhận gần 60.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó đã có 17 trường hợp tử vong. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch, Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Phóng viên: Bác sĩ cho biết tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh ta như thế nào?

- Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 308 ca SXH, trong đó tập trung ở các địa phương: Tp.Phan Rang- Tháp Chàm 103 ca, Ninh Phước 86 ca, Ninh Hải 46 ca, Ninh Sơn 39 ca. Điều đáng chú ý là trong khoảng thời gian gần đây số lượng ca bệnh tăng lên và tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Qua điều tra chỉ số về côn trùng, hiện nay mật độ muỗi tại nhiều địa phương khá cao, có nơi vượt ngưỡng cho phép, điển hình như phường Đông Hải (Tp.Phan Rang- Tháp Chàm), Phước Hải (Ninh Phước)… Nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, nếu không tích cực làm tốt công tác phòng chống, SXH có thể lây lan trên diện rộng.

Phóng viên: Như vậy, ngành Y tế có biện pháp như thế nào và khuyến cáo gì với người dân để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch?

- Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Tình hình dịch bệnh hiện vẫn được kiểm soát tốt, tuy nhiên, ngành Y tế vẫn hết sức chú trọng, theo dõi và tập trung cho công tác dự phòng. Trước tiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo cho hệ thống y tế dự phòng các tuyến giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, phát hiện kịp thời các ca bệnh trên cơ sở đó tiến hành các giải pháp chống dịch như: điều trị cách ly người bệnh, phun hóa chất tại những nơi có bệnh lưu hành… Ngoài ra, Trung tâm cũng chỉ đạo các địa phương thường xuyên điều tra chỉ số côn trùng, lăng quăng. Những địa phương có chỉ số mật độ muỗi, lăng quăng cao sẽ được phun hóa chất chủ động phòng ngừa. Ngành Y tế cũng đã chỉ đạo cho các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng thu dung, nâng cao chất lượng xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành cũng đã chỉ đạo cho các cơ sở y tế thực hiện tốt việc lọc bệnh, phân tuyến kỹ thuật. Những ca bệnh nặng được điều trị tại tuyến tỉnh, còn lại các bệnh nhân nhẹ được điều trị tại các tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải cho tuyến trên và lây nhiễm chéo trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, nâng cao kiến thức, ý thức cho người dân thực hiện tốt biện pháp phòng ngừa.

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virút dengue gây ra, đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc đặc trị. Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh. Hiện là thời điểm bước vào mùa mưa, với diễn biến thời tiết mưa nắng thất thường như tại tỉnh ta là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Để phòng bệnh, tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng, chống muỗi đốt bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; phát quang bụi rậm xung quanh khu vực sinh sống; đậy kín hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh như lốp xe, chai lọ… không để nước đọng để muỗi vào đẻ trứng. Người dân đặc biệt lưu ý, muỗi vằn đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối nên cần chú ý mặc quần áo dài, ngủ màn… phòng, chống muỗi đốt vào những thời điểm này.

Trong trường hợp có dấu hiệu của bệnh như sốt cao đột ngột, đau đầu ở vùng trán, sau nhãn cầu, người mệt mỏi…, người dân cần đến ngay sơ sở y tế để được khám, theo dõi, phát hiện chính xác căn bệnh và điều trị. Trong trường hợp bị nhiễm bệnh, tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị tại nhà tránh tình trạng bệnh càng nặng, có thể dẫn đến tử vong nếu không xử lý kịp thời.

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ.