Giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” từ những câu chuyện kể

(NTO) Với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”, Hội thi “Kể chuyện theo sách thiếu nhi tỉnh Ninh Thuận lần thứ XVIII năm 2017” vừa diễn ra vào đầu tháng 7 đã trở thành một trong những hoạt động hè sôi nổi, hữu ích, giúp thiếu nhi trong tỉnh duy trì, phát triển phong trào đọc sách; giáo dục truyền thống lịch sử, đạo đức, hướng các em tới những giá trị nhân văn, lẽ sống tốt đẹp mà ông cha để lại.

34 tiết mục tham dự hội thi là những bài học chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Ở đó, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” được chuyển tải qua nhiều thông điệp khác nhau. Đó là Bác Hồ vĩ đại, ngoài tình yêu bao la với hòa bình thế giới, Người còn tha thiết, mặn nồng với một câu hò Huế, một điệu ví dặm hay một làn quan họ. Qua khúc dân ca của mỗi vùng miền, Người thấy được dáng hình quê hương xứ sở. Đó là linh hồn, là bản sắc văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người con đất Việt bằng những lời ru mượt mà, đằm thắm khi còn trên nôi. Hay như lòng biết ơn đối với những cô gái thanh niên xung phong mở đường quật khởi vươn lên giữa mưa bom bão đạn, sẵn sàng hy sinh thân mình để huyết mạch giao thông không bị đứt, để những đoàn quân chi viện nối đuôi nhau tiến về tiền tuyến lớn miền Nam vào mùa hè năm 1968 qua câu chuyện kể “10 cô gái ngã ba Đồng Lộc”. Câu chuyện nhắc nhở các em thiếu nhi về công ơn của biết bao thế hệ các anh hùng liệt sỹ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những câu chuyện ấy dù đã dựng thành phim hay thành nhạc, rất đỗi thân quen thì khi được cất lên bởi chất giọng trong trẻo, hồn nhiên và giàu cảm xúc của các em thiếu nhi vẫn không khỏi làm lay động bao người.

Tiết mục “10 cô gái ngã ba Đồng Lộc” thu hút người xem.

Em Chamaléa Thị Bé Nhỏ, học sinh Trường TH Phước Thắng (Bác Ái), thí sinh giành giải Nhất hội thi ở bậc TH, chia sẻ: Đến với hội thi, em đã tìm đọc nhiều câu chuyện khác nhau, nhưng khâm phục trước ý chí của chị Võ Thị Sáu. Em chọn câu chuyện kể “Người con gái miền Đất Đỏ”. Em sẽ cố gắng chăm ngoan, học giỏi để xứng đáng với sự hy sinh của chị đã cho chúng em sống trong hòa bình hôm nay.

Nhiều tiết mục kể về các tấm gương anh hùng cách mạng được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng từ số lượng nhân vật minh họa, trang phục, đạo cụ, âm thanh. Hình ảnh chị Hồ Thị Cúc được các đồng đội khoác lên mình lá cờ Tổ quốc về đoàn tụ với các chị em Tiểu đội 4 sau 3 ngày bị chôn vùi trong lòng đất lạnh hay giây phút chị Võ Thị Sáu, người con gái đang tuổi trăng tròn, trong trang phục áo bà ba trắng hiên ngang ngẩng cao đầu trước họng súng quân thù là những chi tiết gây xúc động mạnh. Bối cảnh những ngày chiến tranh rực lửa được tái hiện một cách chân thực, sinh động, nhắc nhở các em không bao giờ quên những tháng ngày toàn quân, toàn dân ta kiên cường đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Điều quan trọng, qua những câu chuyện này, ngoài việc giáo dục truyền thống cách mạng; tình yêu quê hương, đất nước; về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”…, hội thi còn giúp các em thiếu nhi biết thêm về những tấm gương anh hùng của dân tộc ta trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến giành độc lập của dân tộc. Bài học đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” về biết ơn các anh hùng liệt sỹ càng có ý nghĩa hơn khi những ngày này cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ. Mỗi câu chuyện là một lời tri ân sâu sắc của các em thiếu nhi gửi đến hàng triệu trái tim yêu nước đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.