Dân chủ, thẳng thắn tại phiên chất vấn

(NTO) Ngày 13-7, Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 20016-2021 tiếp tục ngày làm việc thứ ba. Buổi sáng, các đại biểu họp phiên chất vấn và nghe trả lời chất vấn. Tại phiên họp này, có 2 đơn vị là Sở Giao thông vận tải (GTVT) và Sở Lao động–Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đăng đàn trả lời ý kiến của đại biểu và cử tri.

Dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, bước vào phiên họp, đồng chí Võ Đức Triều, Giám đốc Sở GTVT đã lần lượt trả lời 3 vấn đề theo thứ tự mà cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm. Theo đó, đối với nội dung câu hỏi, việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông bị xuống cấp chưa kịp thời và chưa đảm bảo chất lượng và giải pháp khắc phục của ngành GTVT do đại biểu Thái Văn Lai (Tổ đại biểu số 12) đề cập, đồng chí Võ Đức Triều cho biết, hiện nay, Sở GTVT được phân cấp quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng 12 tuyến đường tỉnh, với tổng chiều dài 319 km; 6 tuyến đường huyện dài 111 km và 44 km Quốc lộ 27B (Bộ GTVT ủy thác). Tuy nhiên, do hiện nay một số tuyến đường chưa được đầu tư cứng hóa hoàn thiện, nên mỗi khi có mưa lớn mặt đường bị xé rãnh, sình lún tạo ổ voi, ổ gà, gây khó khăn trong đi lại cho người dân. Trong khi đó, kinh phí bảo trì đường bộ Trung ương phân bổ về địa phương hiện nay chỉ 20 triệu đồng/km/năm, nhưng thực tế cần từ 50-60 triệu đồng/km/năm nên việc duy tu, bảo dưỡng hằng năm chỉ đáp ứng được khoảng 35-40% so với nhu cầu. Đơn vị kiến nghị Bộ GTVT và UBND tỉnh sớm có kế hoạch nâng định mức và bổ sung thêm ngân sách tỉnh để ngành thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng đường bộ theo đúng kế hoạch.

 
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên họp.
 
 
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.
 
 
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Liên quan đến vấn đề đại biểu Bá Bình Yên (Tổ đại biểu số 12) phản ánh tình trạng xe quá tải, nhất là xe chở vật liệu như cát, sỏi, đá lưu thông trên đường bị rơi vãi làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, nhưng ngành chức năng chưa có giải pháp ngăn chặn và xử lý, đồng chí Võ Đức Triều thừa nhận vấn đề này là có thật. Thời gian qua, Sở GTVT đã phối hợp ngành Công an tham mưu UBND tỉnh thành lập và đưa vào hoạt động Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên các tuyến đường bộ; yêu cầu tất cả các mỏ vật liệu, các nhà máy ký cam kết không bốc xếp hàng hóa quá tải lên xe ô tô; chỉ đạo Thanh tra giao thông tổ chức nhiều đợt cao điểm để kiểm tra, xử lý vi phạm về chở hàng quá tải, chở hàng rơi vãi ra đường giao thông... Kết quả trong năm 2016 đã xử lý 715 trường hợp, phạt tiền 2,179 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 20017 đã xử lý 352 trường hợp, phạt tiền 1,572 tỷ đồng…

Tiếp đó, đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã trả lời chất vấn các vấn đề mà đại biểu và cử tri trong tỉnh quan tâm; đồng thời giải thích rõ thực trạng, khó khăn, nêu giải pháp để cùng địa phương tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tồn tại của ngành trong thời gian tới. Trong đó, đối với câu hỏi của đại biểu Pinăng Thị Hốn (Tổ đại biểu số 3) nêu vì sao công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh cho thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an sau khi xuất ngũ chưa được giải quyết hiệu quả. Vấn đề này, đồng chí Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Toàn tỉnh hiện có 162.275 thanh niên trong độ tuổi từ 16-30, chiếm trên 27% dân số và chiếm khoảng 49,76% tổng số lao động của toàn tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, ngày 23-11-2015, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động gia đoạn 2016–2020. Thực hiện Chỉ thị nói trên, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có 102 bộ đội xuất ngũ được đào tạo học nghề. Trong thời gian tới, ngành sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan dự báo chính xác nhu cầu về lao động của từng ngành trong từng khoảng thời gian để thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng nói trên.

 
 
 
Các đại biểu chất vấn lãnh đạo các sở ngành tại phiên họp.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Đỗ Oanh (Tổ đại biểu số 10) liên quan đến việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước trong đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn hiện nay còn lãng phí, đồng chí Hà Anh Quang cho rằng, việc triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua không chỉ có ý nghĩa an sinh xã hội, mà còn là tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, còn xảy ra tình trạng như đại biểu nêu là có nhiều nguyên nhân, như: Công tác tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của các địa phương hằng năm chưa sát với thực tiễn; sự phối hợp của các hội, đoàn thể trong vận động, giúp đỡ hội viên thành lập các mô hình sản xuất sau học nghề còn thiếu đồng bộ. Mặt khác, do các nghề nông nghiệp mà lao động đã được đào tạo chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ thêm kiến thức và kỹ năng cho người lao động, trong khi đó mối liên hệ, gắn kết giữa các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trong giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho lao động còn thiếu đồng bộ và hiệu quả. Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng danh mục nghề đào tạo, kế hoạch đào tạo, cũng như bố trí kinh phí hợp lý… để tổ chức đào tạo nghề phù hợp với từng địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Về ý kiến của đại biểu Trương Xuân Vỹ (Tổ đại biểu số 10) băn khoăn, hiện nay tình trạng các đơn vị, doanh nghiệp còn nợ đọng về Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhiều, trách nhiệm của Sở LĐ-TB&XH như thế nào. Vấn đề này, đồng chí Hà Anh Quang cho biết: Đến ngày 31-12-2016, tổng số doanh nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh là 2.338 doanh nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, với 360 lao động; 16 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với 1.370 lao động và 2.318 doanh nghiệp ngoài nhà nước, với 42.682 lao động. Tuy nhiên, qua số liệu thống kê của BHXH đến cuối tháng 6-2017 chỉ có 668 doanh nghiệp tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN; số nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm đến ngày 31-5-2017 với số tiền trên 39,2 tỷ đồng. Cụ thể, nợ chậm đóng dưới 1 tháng trên 6,4 tỷ đồng; nợ đọng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng có 167 đơn vị, với số tiền hơn 6,63 tỷ đồng; nợ kéo dài từ 3 tháng trở lên có 342 đơn vị, với số tiền trên 24 tỷ đồng; nợ khó thu 30 đơn vị, với số tiền trên 2,1 tỷ đồng. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên ngừng hoạt động, phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp bỏ đi khỏi địa phương. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng các công trình khi hoàn thành chưa được thanh toán vốn, thậm chí không thu được nợ, do đó chưa đóng BHXH. Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH hằng năm có làm nhưng chưa nhiều… Thời gian tới, ngành sẽ đề ra các giải pháp với từng nội dung cụ thể, đồng thời tiếp tục tham mưu UBND tỉnh để chỉ đạo, điều hành, giao trách nhiệm cụ thể đến từng tổ chức, cá nhân, nhất là những người đứng đầu các đơn vị để giám sát việc triển khai thực hiện việc thu và đóng BHXH đạt hiệu quả hơn.

 
Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn tại phiên họp.
 
 
Đồng chí Võ Đức Triều, Giám đốc Sở Giao thông vận tải trả lời chất vấn tại phiên họp.

Trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, tại phiên họp lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương như: Công an tỉnh, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, Tài chính… đã phát biểu bổ sung, giải thích rõ thực trạng, khó khăn, nêu các giải pháp phối hợp tháo gỡ vướng mắc, tồn tại liên quan đến những vấn đề mà đại biểu và cử tri đề cập.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình của những người đứng đầu các sở, ngành, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, hoạt động trên đã diễn ra sôi nổi, dân chủ, thể hiện tinh thần trách nhiệm và xây dựng cao. Đồng chí lưu ý các đại biểu cần nghiêm túc tiếp thu tinh thần trả lời chất vấn của các sở, ngành để có cơ sở tuyên truyền, giải thích lại cho cử tri và Nhân dân rõ, hiểu đúng để chấp hành.

Kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu làm rõ một số vấn đề về công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng đầu năm; nêu rõ các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, doanh nghiệp, xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng... Đồng thời, thông tin thêm để đại biểu và cử tri rõ việc UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, giải quyết một số vụ khiếu kiện kéo dài, đông người liên quan đến các dự án: Muối Quán Thẻ; việc lấn chiếm đất rừng tại Tiểu khu 63a (xã Lâm Sơn, Ninh Sơn); việc khiếu nại bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án tuyến kênh chính đập dâng Tân Mỹ; tình hình triển khai một số dự án mới trên địa bàn tỉnh.

Về nhiệm vụ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2017 theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 13-NQ/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết 78/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt 9 nhóm giải pháp trọng tâm đã được UBND tỉnh đề ra, nhằm thúc đẩy các ngành phát triển, hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã được HĐND tỉnh thông qua.