Tăng cường quản lý thuế trong kinh doanh xăng dầu

(NTO) Thống kê của ngành chức năng cho thấy, phần lớn lượng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh ta được cung cấp thông qua 66 doanh nghiệp, tổng đại lý trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có 2 doanh nghiệp là thương nhân phân phối, gồm: Công ty Cổ phẩn Kinh doanh tổng hợp Ninh Thuận và Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Lâm Đồng; 5 tổng đại lý lớn là Chi nhánh Xăng dầu Ninh Thuận, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Dương Đông– Miền Trung, Công ty TNHH Phát Thuận Phát và Chi nhánh Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Bình Thuận tại Ninh Thuận. Về quy mô kinh doanh, toàn tỉnh hiện có 63 cơ sở, 105 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu với 427 cột đo, dung tích bồn chứa khoảng 4.932 m3. Trong đó, các Chi nhánh xăng dầu có 23 cửa hàng, 97 cột đo xăng, dầu; các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có 82 cửa hàng, 330 cột đo xăng, dầu.

Ông Đoàn Hạnh Phúc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Mặc dù cùng trên một địa bàn, kinh doanh mặt hàng xăng, dầu giống nhau, nhưng tỷ lệ điều tiết tiền thuế giữa một bên là các Chi nhánh xăng dầu có tiền thân doanh nghiệp Nhà nước với một bên là các cơ sở kinh doanh thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có sự chênh lệch rất lớn. Cụ thể, trong năm 2015, các cơ sở, cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đạt doanh thu khá cao, nhưng chỉ đóng góp cho ngân sách của tỉnh 192,44 tỷ đồng; trong đó, thuế VAT chỉ có 27,71 tỷ đồng, còn thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều cơ sở kinh doanh kê khai lỗ, không nộp nên chỉ đạt 2,73 tỷ đồng. Hay như trong 6 tháng năm 2016, doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đạt 772 tỷ đồng, nhưng nộp ngân sách chỉ có 55 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu bán hàng của các Chi nhánh xăng dầu 338 tỷ đồng, nhưng đóng góp vào ngân sách đến 68 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ, tình trạng thất thu thuế đang diễn ra trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

Để góp phần tăng thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, ngày 30-12-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 557/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”. Bám sát các nội dung của đề án, hiện nay Cục Thuế tỉnh đang phối hợp với Sở Công Thương tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao, như: Thực hiện việc rà soát, thống kê chính xác số lượng doanh nghiệp, cửa hàng, cột bơm xăng, dầu để cùng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh chuẩn bị ấn chỉ niêm phong đồng hồ (công tơ). Phối hợp các cơ quan truyền thông như Báo Ninh Thuận, Đài PT-TH Ninh Thuận tuyên truyền, phổ biến đến từng cơ sở kinh doanh xăng, dầu về Kế hoạch triển khai quản lý ấn chỉ niêm phong công tơ tổng trên các phương tiện đo xăng, dầu. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn giao Cục Thuế tỉnh, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ thành lập Đoàn công tác liên ngành thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh thực hiện không đúng về chế độ kế toán, có nhiều sai sót về kê khai nộp thuế, nhiều lần vi phạm về đo lường chất lượng, vi phạm quy định việc sử dụng và bảo quản ấn chỉ niêm phong…, nhằm đảm bảo đề án được triển khai đúng mục tiêu, lộ trình đề ra.