Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình trình bày báo cáo tại Hội trường
Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật, gửi Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành, tại Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục chỉ đạo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này.
Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) có có 9 Chương, 82 Điều, quy định về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến du lịch và quản lý nhà nước về du lịch.
Tán thành với nhiều nội dung sửa đổi của dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội tại phiên họp nhận định, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và có chất lượng cao và sát với thực tế hơn dự thảo trước; nhiều nội dung đã được quy định cụ thể, rõ ràng, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn về quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch; có nhiều điểm tiến bộ theo hướng tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp du lịch phát triển, coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia…
Thống nhất việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch
Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là cần thiết để triển khai hoạt động du lịch một cách mạnh mẽ, chủ động, chuyên nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch, phù hợp với mục tiêu Đảng, Nhà nước đặt ra đối với ngành du lịch.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương- TP Cần Thơ, việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là cần thiết để đảm bảo thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và góp phần phát triển du lịch Việt Nam vốn đang còn quá nhiều vấn đề hiện nay. Tuy nhiên, để sử dụng Quỹ một cách có hiệu quả, tránh lãng phí, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung thêm các quy định về trách nhiệm cơ quan quản lý Quỹ.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ tạo điều kiện cho du lịch có sự phát triển đột phá. Song, để việc thành lập Quỹ đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn các nguồn thu của Quỹ, nhiệm vụ chi của Quỹ này để không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương- tỉnh Ninh Thuận cho rằng, ngoài 3 nguồn thu là vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp; Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật đã được quy định tại Điểm 3, Điều 71, cần bổ sung thêm các nguồn thu trích từ dịch vụ tham quan du lịch và phí thị thực nhập cảnh cho hoạt động thăm quan du lịch.
Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương- tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại Hội trường.
Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương- tỉnh Bắc Kạn cũng đề nghị dự thảo luật nên bổ sung một nguồn thu ổn định từ khách tham quan du lịch nội địa và quốc tế để hỗ trợ phát triển các hoạt động xúc tiến du lịch. Theo đại biểu việc làm này là khách quan, phù hợp với xu hướng chung của thế giới mà nhiều quốc gia khác đã thực hiện có hiệu quả.
Xếp hạng cơ sở lưu trú bắt buộc hay tự nguyện?
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là việc xếp hạng cơ sở lưu trú. Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) lần này đưa ra hai phương án về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch: Phương án 1- quy định đăng ký xếp hạng theo nguyên tắc tự nguyện; Phương án 2- quy định đăng ký xếp hạng theo nguyên tắc bắt buộc.
Qua thảo luận, trong điều kiện tính tự giác, trung thực của các cơ sở lưu trú dịch ở Việt Nam còn chưa cao; công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn chưa tốt, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị, việc đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch cần phải được thực hiện theo nguyên tắc bắt buộc để tạo thuận lợi cho công tác quản lý về chất lượng cơ sở lưu trú, tác động tích cực đến môi trường kinh doanh, góp phần bảo vệ và nâng cao uy tín ngành du lịch, góp phần bảo vệ quyền lợi của khách du lịch. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu lại cho rằng việc xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc bắt buộc còn mang nặng tính hành chính, can thiệp sâu vào sự vận hành, hoạt động kinh doanh của các cơ sở lưu trú du lich.
Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc- tỉnh Bà Rịa Vùng Tàu phát biểu ý kiến tại Hội trường.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc- tỉnh Bà Rịa Vùng Tàu, trong bối cảnh quảng cáo du lịch online phát triển mạnh, khách du lịch đặt niềm tin và đặt hàng dịch vụ qua quảng cáo online ngày càng nhiều như hiện nay, việc áp dụng nguyên tắc bắt buộc trong xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch quy định như phương án 1 của dự thảo Luật là phù hợp với thực tế; góp phần ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận sao, quảng cáo sai thứ hạng; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở lưu trú du lịch và bảo vệ được quyền lợi của khách du lịch...
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hằng- Bắc Ninh phát biểu tại Hội trường.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hằng- tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng, để có sự thống nhất, thuận tiện trong công tác quản lý, kiểm soát được tình trạng các doanh nghiệp tùy tiện mạo nhận thứ hạng sao, quảng cáo sai thứ hạng không đúng với chất lượng của mình, làm lộn xộn thị trường, cạnh tranh thiếu lành mạnh... gây tác động tiêu cực đến quyền lợi của khách du lịch thì việc quy định quy định đăng ký xếp hạng theo nguyên tắc bắt buộc là rất cần thiết. Theo đại biểu, việc xếp hạng theo nguyên tắc bắt buộc như là một khâu kiểm định trước khi cung cấp dịch vụ du lịch đến khách hàng.
Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu lại cho rằng, việc xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc bắt buộc có thể gây khó khăn rất nhiều cho những cơ sở du lịch mới khởi nghiệp, chất lượng phục vụ và cơ sở vật chất chỉ ở 1, 2 sao khi buộc phải xếp hạng và công bố thứ hạng của mình. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng là nhu cầu, quyền lợi của doanh nghiệp. Do vậy việc đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú cần được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện.
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Hoa- Bắc Giang, việc đăng ký xếp hạng theo nguyên tắc tự nguyện thể hiện quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động kinh doanh được vận hành theo quy luật thị trường, giảm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để tránh tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận sao, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của khách du lịch, đại biểu Hoàng Thị Hoa đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đưa ra quy định tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ đối với các cơ sở lưu trú du lịch.
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Nguyệt- Hưng Yên cũng cho rằng, để tạo một hệ thống hồ sơ hành chính đơn giản, không gây phiền phức cho hoạt động du lịch cho các cơ sở lưu trú du lịch nên quy định việc xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc tự nguyện và được thẩm định lại sau 5 năm.
Qua nghiên cứu, các đại biểu Quốc hội đánh giá, trong dự thảo Luật vẫn còn một số quy định thể hiện chung chung. Vì vậy, để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về các nội dung liên quan đến chính sách du lịch, điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, nguyên tắc phát triển du lịch... Đồng thời, rà soát nội dung và hình thức văn bản để đảm bảo tính chính xác và kỹ thuật văn bản, kỹ thuật lập pháp.
Kết thúc phiên họp, đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, ngay sau phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban thẩm tra và Cơ quan soạn thảo tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp tại phiên họp để hoàn chỉnh dự thảo Luật. Riêng đối với các nội dung còn đang có nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội sẽ có phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội trước khi quyết nghị.
Nguồn: quochoi.vn