Bộ trưởng Bộ Tài chính nói về giải pháp quản lý, sử dụng tài sản công

Kết thúc phiên thảo luận của Quốc hội sáng 29-5 về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đăng đàn nói về quá trình quản lý, sử dụng tài sản công với nhiều quy định chặt chẽ, giải pháp đột phá trong dự thảo Luật lần này.

 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên thảo luận dự án Luật Quản lý,
sử dụng tài sản công. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đề cập đến việc sử dụng ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu tặng không đúng mục đích, đang được dư luận quan tâm hiện nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công là cơ quan, tổ chức phải tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước.

“Thời gian qua, một số trường hợp gây bức xúc dư luận là việc nhận ô tô đắt tiền cho lãnh đạo cơ quan sử dụng. Vì vậy, cơ quan soạn thảo thống nhất cao với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định cấm sử dụng ô tô, các tài sản khác do tổ chức, cá nhân biếu tặng không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và sử dụng cho cá nhân”, Bộ trưởng Tài chính khẳng định.

Về thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công, ông Đinh Tiến Dũng cho hay, việc giao cho Chính phủ phân cấp thẩm quyền quyết định về mua sắm, thuê, mua, điều chuyển, chuyển nhượng, thay thế, thanh lý, tiêu… tài sản công là phù hợp với chính sách hiện hành và trong thực tiễn vừa qua không có gì vướng mắc.

“Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Quốc hội giao cho Chính phủ quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có việc đầu tư, xây dựng, mua sắm, khai thác tài sản công và các vấn đề khác có liên quan theo nội dung, báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm là việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cũng được Bộ trưởng Tài chính làm rõ.

Theo đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008 đã phân định chế độ quản lý, sử dụng giữa cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công, tài sản tại cơ quan Nhà nước nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tạo ra dịch vụ công, cung cấp cho xã hội. Vì vậy, cần phải làm rõ chế độ quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công tại cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, tài sản công tại cơ quan Nhà nước là tài sản phục vụ công tác quản lý Nhà nước, do đó, cần phải bảo đảm việc quản lý tài sản tiết kiệm, đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, định mức. Tuyệt đối không được sử dụng để cho thuê, kinh doanh, dịch vụ, liên doanh liên kết… để bảo đảm tính nghiêm minh, tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước, nhất là đối với trụ sở làm việc, phương tiện đi lại…

Chỉ một số loại tài sản công mà việc khai thác không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước, cũng như không làm thất thoát tài sản và được pháp luật chuyên ngành cho phép, thì mới được khai thác, như quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu…

Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi lần này cũng quy định cho phép cơ quan Nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất cho các cơ quan quản lý Nhà nước khác, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị xã hội… sử dụng chung để tránh lãng phí, đồng thời giảm bớt chi phí từ ngân sách Nhà nước từ bảo trì, bảo dưỡng tài sản.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, mục tiêu cao nhất là bảo đảm quản lý và sử dụng hiệu quả, tạo ra dịch vụ công với chất lượng tốt, chi phí thấp. Theo đó, việc sử dụng tài sản phải tối đa hoá công năng, giảm chi phí. Vì thế, chủ trương cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích vào sản xuất kinh doanh và dịch vụ cho thuê, liên doanh, liên kết… đã được quy định tại Luật này năm 2008.

Theo tính toán, số lượng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập rất lớn, khoảng 2 triệu người, chi phí cho việc vận hành bộ máy này rất lớn. Việc cho phép đơn vị sự nghiệp công lập khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết, cho thuê để giảm bớt áp lực ngân sách Nhà nước và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, tạo ra nguồn thu, phục vụ hoạt động đầu tư, nâng cao chất lượng, số lượng dịch vụ, góp phần tăng cường xã hội hoá theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công lập vươn lên tự chủ ngày càng cao, hoặc chuyển đổi hoạt động sang mô hình doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Tiến Dũng: “Để việc quản lý, khai thác tài sản công trong đơn vị sự nghiệp công lập được chặt chẽ, dự thảo Luật rà soát, bổ sung các yêu cầu khi sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh phải không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; bảo toàn, phát triển vốn, tài sản Nhà nước; sử dụng tài sản đúng mục đích. Việc đầu tư xây dựng, mua sắm phù hợp đúng với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản; tính đủ khấu hao tài sản cố định. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật. Việc khai thác tài sản Nhà nước phải lập thành đề án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Nguồn www.chinhphu.vn