Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ nghe báo cáo về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Sáng 27/5, tại trụ sở cơ quan, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức phiên họp chuyên đề, nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp.

Báo cáo về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạp Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian vừa qua, căn cứ theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, hội thảo tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ngành giáo dục, các nhà giáo, các tầng lớp nhân dân, học sinh và phụ huynh học sinh… để làm cơ sở để xây dựng, hoàn thiện một khung chương trình tổng thể đảm bảo tiếp cận được các xu hướng mới, phù hợp với thực tế, có thể khắc phục căn bản những hạn chế của ngành giáo dục phổ thông nước ta hiện nay.

Theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình, sách khoa giáo dục phổ thông mới sẽ tập trung phát huy tính dân chủ và chú trọng đến năng lực thực hành của học sinh, thông qua việc gắn các hoạt động trải nghiệm song song với các môn học. Người học có quyền lựa chọn học phần các môn học phù hợp với khả năng, nguyện vọng của bản thân. Đặc biệt, chương trình, sách khoa giáo dục phổ thông mới sẽ không còn duy trì việc quy định số tiết học trong một tuần đối với các cơ sở giáo dục như trước đây, mà chỉ quy định số tiết trong 1 năm đối với các cơ sở giáo dục, việc quy định chi tiết sẽ giao cho các cơ sở giáo dục tự điều chỉnh. Ngoài ra, giáo viên có quyền lựa chọn các tác phẩm, chủ đề mà công luận quan tâm, học sinh yêu thích để đưa vào giảng dạy trên cơ sở gợi ý của chương trình tổng thể đưa ra…

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ nghe báo cáo về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Về tình hình chuẩn bị đội ngũ nhà giáo và điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp học cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương tiến hành đánh giá thực trạng và nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học; rà soát và xây dựng danh mục các phòng học kiên cố hóa sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017- 2020. Trên cơ sở đó, trình Chính phủ Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông. Lộ trình thực hiện đề án được xây dựng đồng bộ từ trung ương đến địa phương và đồng bộ với lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học và đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; tổ chức rà soát danh mục thiết bị dạy học tối thiểu, các quy định hiện hành về tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường phổ thông… Cùng với đó, thời gian qua, Bộ cũng đã chỉ đạo các trường sư phạm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu và lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức hội thảo, tập huấn về đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông cho 115 cơ sở đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; tổ chức tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin cho các giảng viên sư phạm chủ chốt trên toàn quốc… Trong thời gian tới, Bộ sẽ triển khai kế hoạch tổng thể đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới; đào tạo xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, giảng viên sư phạm chủ chốt theo tiêu chuẩn mới; chỉ đạo các địa phương chủ động cụ thể hóa chương trình, kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong bố trí tuyển dụng, sử dụng giáo viên; nghiêm túc đánh giá giáo viên; thực hiện các chính sách khen thưởng, động viên và nhân rộng những điển hình nhà giáo sáng tạo, tích cực ở các địa phương…

Dự toán tổng kinh phí thực hiện dự án thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông là 80 triệu USD, trong đó vốn vay là 77 triệu USD và vốn đối ứng là 3 triệu USD. Dự toán kinh phí xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới là 37 triệu USD được bố trí trong dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông. Việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới theo Nghị quyết của Quốc hội đã và đang được tiến hành theo kế hoạch tổng thể, bám sát lộ trình đề ra.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đánh giá dự thảo chương trình tổng thể về cơ bản đúng hướng, phù hợp với quan điểm và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông nêu trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và quyết định của Chính phủ; bắt kịp xu thế phát triển chương trình giáo dục phổ thông của các nước tiên tiến, đồng thời kế thừa những ưu điểm của các chương trình giáo dục phổ thông trước đây của nước ta; cho rằng chương trình tổng thể mới đã được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; giúp phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh, đáp ứng mong ước của xã hội về một trương trình giáo dục căn bản hiện đại cho học sinh Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Tuy nhiên qua giám sát ở một số địa phương, các đại biểu cho biết, điều kiện cơ sở vật chất ở các trường miền núi còn nhiều khó khăn; năng lực thực chất của giáo viên ở một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu chuẩn bị cho việc thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông. Do vậy, các đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên và hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong cả nước. Trên cơ sở đó tiến hành các bước tiếp theo về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũng như có phương án bố trí cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu và lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới, trong đó ưu tiên tận dụng cơ sở vật chất sẵn có.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng thảo luận và yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ các nội dung liên quan đến việc lựa chọn thành viên trong Ban Phát triển Chương trình tổng thể, những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tính khả thi của việc xây dựng Luật Nhà giáo, vai trò tham mưu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với Chính phủ trong việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới…

Kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến thảo luận hôm nay để hoàn thiện Báo cáo; đồng thời tiếp tục bám sát Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông để chuẩn bị kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; quy trình tuyển dụng, luân chuyển và điều động giáo viên; kế hoạch đầu tư tang cường cơ sở vật chất làm tiền đề để công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông thành công.

Nguồn quochoi.vn