Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị chuyên đề quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ

(NTO) Ngày 26-5, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị chuyên đề về hoạt động và quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ trên địa bàn tỉnh.

 
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Văn Miên

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến năm 2016, toàn tỉnh có 376 cơ sơ chế biến, kinh doanh gỗ; trong đó có 374 cơ sở, hộ gia đình, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh . Các cơ sở chủ yếu sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mộc cao cấp, mộc dân dụng, đũa, gỗ xẻ thành phẩm không sấy và các sản phẩm gỗ xẻ thô (ván, coppha…), sản xuất có quy mô nhỏ, phân bố rải rác, xen lẫn trong khu dân cư. Thực trạng hiện nay, hầu hết các cơ sở đều không đủ các điều kiện an toàn lao động, không có các phương án bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ, vì vậy, các cơ sở chế biến gỗ gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy đối với cả khu vực rất cao. Một số cơ sở chế biến gỗ hoạt động tự phát, không đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất kinh doanh, lén lút, mua gỗ không có nguồn gốc hợp pháp để đưa vào chế biến gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quản lý theo dõi giám sát.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh ngành nghề chế biến gỗ cho các hộ gia đình, cá nhân; quản lý bảo vệ môi trường về bụi, tiếng ồn đối với các cơ sở chế biến gỗ; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong chế biến, lưu thông gỗ…; về mục tiêu điều chỉnh, sắp xếp hợp lý, khoa học mạng lưới các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương liên quan cần rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ trên địa bàn toàn tỉnh theo quy hoạch; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia chế biến kinh doanh gỗ; quản lý giám sát nguồn gỗ nhập và xuất đúng theo quy định pháp luật; kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ vi phạm pháp luật và không nằm trong vùng quy hoạch. Các ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức rà soát, sắp xếp lại các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ trên địa bàn đúng theo quy hoạch; quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước; Đồng thời, Sở NN&PTNT sớm hoàn thành Quy hoạch các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 để sắp xếp các cơ sở chế biến gỗ theo đúng quy hoạch....