Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Pô Klong Garai

(NTO) Sau 25 năm tái lập tỉnh, 42 năm giải phóng quê hương Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một trong những thành tựu to lớn của tỉnh trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH), đó là sự kiện đón nhận và tôn vinh Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Pô Klong Garai và Di tích kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Tháp Hòa Lai theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Pô Klong Garai là quần thể tháp Chăm được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV, nằm trên ngọn đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Đây là cụm tháp còn lại gần như hoàn thiện nhất trong hệ thống tháp Chăm. Cụm tháp gồm ba công trình kiến trúc: Tháp chính là kiến trúc lớn nhất thờ vua Pô Klong Garai, với mặt bằng hình vuông và cấu trúc ba phần: đế, thân và mái tháp. Bốn góc mái còn có bốn tháp góc nhỏ và cấu trúc vòm cửa hình mũi lao. Ngôi tháp thứ hai là tháp Lửa có mặt bằng hình chữ nhật, mái võng hình yên ngựa giống tháp Nam của cụm tháp Bánh Ít (Bình Định) nhưng kích thước nhỏ hơn. Tháp thứ ba là tháp Cổng. Cụm tháp thờ vua Pô Klong Garai (năm 1151-1205). Cuộc đời và sự nghiệp của vị vua này gắn với sự tích thần thoại khá ly kỳ, được đồng bào Chăm ngưỡng mộ và nhớ ơn, đặc biệt là công ơn tổ chức xây dựng các công trình thủy lợi, mà dấu tích của những công trình ấy hiện vẫn còn, cụ thể như đập Nha Trinh, Lâm Cấm ngày nay.

Tháp Pô Klong Garai thuộc phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm).Ảnh: Nguyễn Văn Bửu

Trước và sau khi tái lập tỉnh, công tác tu bổ, tôn tạo Tháp Pô Klong Garai luôn được tỉnh ta quan tâm huy động được nhiều nguồn lực từ Trung ương, địa phương và từ cộng đồng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH này. DSVH này đã tạo được ấn tượng và trở thành điểm đến của du khách mỗi khi đến du lịch Ninh Thuận. Chỉ tính riêng lượng khách tham quan tại Tháp Pô Klông Garai từ năm 1992-2016, đã thu hút trên 734.000 lượt người (chưa tính đến hàng chục nghìn lượt du khách về tham quan Lễ hội Katê hằng năm). Chị Tài Công Thúy Diễm, hướng dẫn viên Ban quản lý di tích, phấn khởi cho biết: Từ khi tháp được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, lượng du khách đến tham quan tăng đột biến. Chỉ riêng trong quý I-2017, di tích đón hơn 30.000 lượt khách, tăng 150% so với cùng kỳ năm trước. Cá biệt, trước dịp lễ tỉnh ta đón nhận Di tích quốc gia đặc biệt, đoàn khách Bình Dương với 45 xe chở hơn 2.000 du khách đến tham quan tháp. Qua đó, góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh, vị thế du lịch Ninh Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh, cho biết: Do tính chất di tích đặc biệt quốc gia, hằng năm Trung ương sẽ bố trí các nguồn vốn để trùng tu, bảo tồn và phát triển DSVH và quảng bá du lịch, đây là điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH Tháp Pô Klong Garai, nhất là lĩnh vực du lịch… Ban quản lý tiếp tục tham mưu cho tỉnh chú trọng chính sách đầu tư, sử dụng di sản, phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa theo hướng bền vững; hài hòa giữa bảo tồn và khai thác, để di sản mang lại lợi ích tinh thần và vật chất cho xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật nhằm giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về pháp luật gắn với hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị DSVH nói chung và Tháp Pô Klong Garai nói riêng.

Du khách tham quan Tháp Pô Klong Garai. Ảnh: Sơn Ngọc

Ban quản lý cũng đã đổi mới và đưa vào áp dụng nhiều giải pháp nhằm phục vụ, thu hút du khách như: Trước đây, các đoàn tham quan phải thuê hướng dẫn viên thuyết minh, hiện nay Ban quản lý đã bố trí đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, thuyết minh miễn phí cho du khách đến tham quan tháp bằng song ngữ Việt-Anh. Trước kia, chỉ biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm vào dịp Lễ hội Katê, thì nay tất cả các ngày thứ bảy, chủ nhật, dịp lễ, tết đều tổ chức biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm phục vụ du khách. Ngoài khai thác Lễ hội Katê vốn có, Ban quản lý cũng phối hợp với các đơn vị liên quan và các vị chức sắc trong cộng đồng người Chăm phục dựng lại 3 lễ hội thường xuyên tổ chức tại tháp gồm: Lễ Yuơr Yang, Lễ Cambur và Lễ Peh Bimbeng Yang. Đây vừa xem là bảo tồn giá trị văn hóa, vừa khai thác, phát huy giá trị văn hóa của DSVH này phục vụ du khách, qua đó giới thiệu nền văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm đến với du khách, tạo thêm điểm nhấn cho du khách đến tham quan di tích.