VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Thúc đẩy phát triển văn hóa đọc!

(NTO) Ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21 - 4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Quyết định nêu rõ, Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Các em học sinh đọc sách tại Thư viện tỉnh. Ảnh: Sơn Ngọc

Ngày Sách Việt Nam năm nay với chủ đề: “Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng”, đây là năm thứ 4 cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng tổ chức sự kiện này. Trong những năm qua, với sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, phong trào đọc sách trong cộng đồng luôn được khuyến khích, nhân rộng. Chỉ tính trong quý I-2017, riêng Thư viện tỉnh đã thu hút 19.615 lượt bạn đọc với 60.993 lượt tài liệu đơn vị đã phục vụ. Điều cũng đáng nói, ngày càng có nhiều cá nhân và tổ chức xã hội tự nguyện tham gia vào việc quảng bá sách, lập thư viện cá nhân, một số địa phương còn tạo được tủ sách cộng đồng để phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa, khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, đời sống... Nhiều bạn đọc cho rằng, đọc sách là sự tương tác tri thức, qua đó tích lũy kiến thức bản thân, kích thích quá trình tự học và sáng tạo. Điều quan trọng, qua thông điệp của Ngày Sách Việt Nam 21-4, đã định hướng rõ ràng trong việc khẳng định tinh thần khuyến đọc, hướng tới một xã hội học tập, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cùng với nhịp sống sôi động, sự phát triển của khoa học - công nghệ, con người có thêm nhiều hình thức để tiếp nhận các tri thức của đời sống xã hội. Vì thế, nhiều người không còn mặn mà với việc đọc, đặc biệt là giới trẻ đã không còn muốn đọc sách theo cách truyền thống, dẫn đến văn hóa đọc ngày càng bị mai một. Có thể nói, xã hội hiện đại tuy đem đến cuộc sống đầy đủ hơn cho con người nhưng cũng mang đến nhiều thói quen không tốt ảnh hưởng đến tư duy, cách nhìn nhận, suy nghĩ cũng như hành động của mỗi người. Bên cạnh đó, sự tiếp nhận thông tin thụ động qua các phương tiện nghe - nhìn hiện đại đã làm giảm bớt tính tư duy, nghiền ngẫm, sáng tạo vốn có của văn hóa đọc. Rõ ràng là nếu quá phụ thuộc vào máy móc, thiết bị, con người sẽ không có thói quen đọc, thiếu kỹ năng đọc, thông tin tiếp nhận sẽ nhanh chóng nhưng cũng quên nhanh… Do vậy, để việc đọc sách ngày càng được nhân rộng trong cộng đồng, bên cạnh tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia đọc sách thì việc xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc; xây dựng và phát triển hệ thống thư viện hiện đại, có vốn tài liệu phong phú, thân thiện với người sử dụng là việc làm cần thiết. Điều đáng phấn khởi là, với mục tiêu nâng cao dân trí, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg, ngày 15-3-2017 phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Đây sẽ là cơ sở để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong tỉnh thời gian tới…

Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4 - 2017 trên địa bàn tỉnh là lễ khai mạc Ngày Sách Việt Nam diễn ra ngày 21 -4 tại Thư viện tỉnh. Cùng với đó là có nhiều hoạt động phong phú như trưng bày, giới thiệu, quảng bá, bán sách của các nhà sách, đơn vị phát hành trong tỉnh; triển lãm tranh, sách, xếp sách nghệ thuật với chủ đề quê hương, đất nước, con người Ninh Thuận…

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay thì việc tổ chức các Ngày Sách và Văn hóa đọc càng góp phần khẳng định: Sách và văn hóa đọc mãi mãi trường tồn, một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, truyền thống văn hiến của dân tộc.